Theo liên Bộ, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố như dữ liệu về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mang lại hy vọng về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ; việc Nga cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 3; nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng đẩy lãi suất điều hành lên cao hơn dự kiến để kiểm soát lạm phát…; các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.
Tại kỳ điều hành giá ngày 1/3, giá xăng RON95 giảm 120 đồng/lít về mức 23.320 đồng/lít; giá xăng E5 RON92 giảm 120 đồng/lít còn 22.420 đồng/lít. Trong khi, giá dầu diesel giảm 550 đồng/lít và có giá bán 20.250 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 370 đồng/lít còn ở mức 20.470 đồng/lít. Đây là lần giảm giá thứ hai liên tiếp của giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Liên quan đến quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư quỹ mới được Bộ Tài chính công bố tính đến hết quý IV/2022, tổng số dư quỹ đã tăng lên mức 4.617 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý I/2021 đến nay.
Theo Bộ Tài chính, so với quý liền trước, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đã tăng ròng hơn 2.000 tỷ đồng. Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 9/2022, số dư quỹ này được xác định là hơn 2.540 tỷ đồng. Trong quý cuối cùng của năm, 31 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu đã trích lập thêm hơn 2.155 tỷ đồng vào quỹ và chỉ sử dụng hơn 79 tỷ đồng từ quỹ để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường.