Văn hóa

'Giải mã' nghĩa địa hơn 5.000 năm ở Nghệ An

13/05/2025 14:45

Nằm dưới chân núi Lạp Sơn, di chỉ Quỳnh Văn (thuộc xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) từ lâu đã được biết đến như một 'kho báu' của ngành khảo cổ học.

Sau hơn nửa thế kỷ bị lãng quên, các nhà khoa học “đánh thức” di chỉ Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu) và phát hiện nhiều tư liệu gây chú ý trong giới khảo cổ.

Dấu tích nền văn hóa ven biển miền Trung

Nằm dưới chân núi Lạp Sơn, di chỉ Quỳnh Văn (thuộc xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) từ lâu đã được biết đến như một “kho báu” của ngành khảo cổ học. Từng trải rộng hơn 11.000m², nhưng do hoạt động khai thác vỏ điệp quá mức khiến phần lớn di chỉ này bị phá hủy. Hiện nay, khu vực được khoanh vùng bảo tồn chỉ còn gần 5.000m², nhưng giá trị lịch sử và khoa học nơi đây vẫn vô cùng to lớn.

Trong các đợt khảo sát và khai quật từ năm 1963 - 1964, các nhà khoa học phát hiện hàng loạt di vật đá, gốm, vỏ nhuyễn thể và đặc biệt là 30 ngôi mộ cổ. Qua nghiên cứu về nhân chủng học cho thấy, các cư dân cổ tại đây thuộc chủng Australo-Negroid, mang đặc điểm của Mongoloid, sống dựa vào nguồn lợi thủy sinh, săn bắt hái lượm và chế tạo công cụ.

Sau hơn 60 năm bị lãng quên, từ tháng 3 đến tháng 4/2025, Bảo tàng Nghệ An phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng các chuyên gia quốc tế từ Đại học Quốc gia Australia khai quật và phát hiện nhiều tư liệu đáng chú ý.

Theo Bảo tàng Nghệ An, dưới độ sâu hơn 3m, 2 hố khai quật với diện tích 18m² đã phơi bày 9 bộ di cốt người cổ nằm trong tư thế “bó gối”, hình thức mai táng đặc trưng của nền văn hóa Quỳnh Văn. Tại hố khai quật thứ nhất, rộng 9m² và sâu 3,2m; các nhà khảo cổ phát hiện 3 lớp trầm tích vỏ điệp, dấu tích cho thấy khu vực từng là nơi cư trú lâu dài của cộng đồng cổ.

Đặc biệt, 56 lỗ cọc và 54 bếp lửa được tìm thấy, phần lớn còn nguyên vẹn với kết cấu rõ ràng gồm than tro, đá bị nung và vỏ nhuyễn thể, hé lộ cách người cổ chế biến thức ăn và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách linh hoạt. Di vật trong hố khai quật này gồm nhiều viên đá cháy trong các bếp, công cụ đá và mảnh tước, cùng một số mảnh gốm nhỏ vỡ vụn. Đá cháy liên quan đến việc làm nóng thực phẩm, chủ yếu là đá núi không cứng, không phù hợp chế tác công cụ.

Các nhà khảo cổ nhận định, khu vực này chủ yếu được dùng cho cư trú, với nhiều bếp lửa được bảo tồn tốt và đá bị biến đổi do nhiệt, gợi ý về cách thức chế biến thức ăn của người cổ.

Quá trình khai quật, đoàn khảo cổ tìm thấy nhiều xương cá biển, cá da trơn và dấu hiệu của việc sử dụng cá sấu, rùa, lợn, hươu nai. Điều này cho thấy cư dân cổ tại khu vực thích nghi rất tốt với cả môi trường sông nước lẫn rừng núi, đồng thời phản ánh lối sống săn bắt hái lượm đa dạng, linh hoạt và giàu kinh nghiệm sinh tồn.

nghe-an-giai-ma-nghia-dia-hon-5000-nam-2.jpg
Hài cốt người cổ xưa táng theo tư thế bó gối. Ảnh: Mạnh Hà.

Mở ra “cánh cổng” khám phá lịch sử

Hố khai quật thứ hai đưa các nhà khảo cổ đến gần hơn với quá khứ sâu thẳm khi họ phát hiện một nghĩa địa cổ xưa. Ba bộ hài cốt xếp chồng lên nhau, được phân cách bởi lớp đất mỏng và bao quanh bởi hàng trăm vỏ nhuyễn thể. Những chi tiết ấy không chỉ thể hiện nghi thức mai táng, mà còn phần nào phản ánh tín ngưỡng sơ khai của cư dân thời tiền sử.

Từ độ sâu 2m trở xuống, 6 ngôi mộ với thi thể được đặt trong hố tròn với đầu gối co sát vào đầu (tư thế bó gối). Kiểu táng này phổ biến trong văn hóa Đa Bút (Thanh Hóa) và rộng hơn là trong giai đoạn hậu săn bắt - hái lượm ở miền Nam Trung Quốc, Đông Nam Á và châu Úc.

Tuy nhiên, khác với Đa Bút, mộ táng ở Quỳnh Văn không có đồ gốm hay công cụ đá mài, mà chỉ có công cụ ghè đẽo kiểu Hòa Bình, Bắc Sơn và kỹ nghệ Ngườm, gợi ý rằng nơi đây có thể cổ hơn hoặc thuộc một quỹ đạo văn hóa riêng biệt.

Một số ngôi mộ còn có dấu vết đặc biệt như lớp cát biển vàng phủ lên trên, đá lớn kê dưới chân, ngà voi gãy và các công cụ đá đặt cạnh, tạo nên bức tranh sinh động về một cộng đồng có nghi lễ và tín ngưỡng phức tạp hơn tưởng tượng ban đầu.

Những phát hiện tại Quỳnh Văn không chỉ mang giá trị khoa học, mà còn thấm đẫm ý nghĩa nhân văn. Mỗi bộ hài cốt là một mảnh ghép thời gian, là chứng tích sống động cho một nền văn hóa ven biển từng tồn tại từ khoảng 5.500 đến 3.500 năm trước.

Qua từng lớp đất, từng viên đá, từng chiếc vỏ sò, câu chuyện về một cộng đồng cổ dần hiện rõ, cách người xưa sống, lao động, yêu thương, và tiễn đưa nhau về cõi vĩnh hằng.

Sắp tới, toàn bộ hiện vật và di cốt sẽ được đưa đi kiểm định niên đại bằng phương pháp phóng xạ C14 (Carbon-14) và tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn về nhân chủng học, tín ngưỡng và đời sống.

nghe-an-giai-ma-nghia-dia-hon-5000-nam-3.jpg
Các hố khai quật có độ sâu từ 3 - 4m. Ảnh: Mạnh Hà.

Với giới nghiên cứu, đây là cơ hội quý giá để mở rộng hiểu biết về lịch sử cư dân cổ vùng Duyên hải miền Trung. Còn với người dân xã Quỳnh Văn, phát hiện lần này không chỉ là niềm tự hào, mà còn là minh chứng hùng hồn cho sự bền bỉ của dòng chảy văn hóa chưa từng bị đứt đoạn trên mảnh đất quê hương.

Ông Nguyễn Trọng Cường - Giám đốc Bảo tàng Nghệ An, cho biết, di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn là cái tên ăn sâu vào địa chí Nghệ An nay lại một lần nữa được nhắc tên đầy tự hào. “Không chỉ là một điểm khảo cổ, di chỉ Quỳnh Văn còn là một cánh cổng thời gian, nơi quá khứ vang vọng trong từng di vật, từng thớ đất, và trong cả trái tim những người hôm nay đang nỗ lực hồi sinh những ký ức nghìn năm tuổi”, ông Cường nhận định.

Văn hóa Quỳnh Văn thuộc hậu kỳ thời đại đá mới, niên đại mở đầu vào khoảng 6.000 năm và kết thúc vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay. Nền văn hóa này phân bố chủ yếu ở đồng bằng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh; diện tích phân bổ rộng, từ biển vào sâu khoảng 10km.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giai-ma-nghia-dia-hon-5000-nam-o-nghe-an-post730856.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giai-ma-nghia-dia-hon-5000-nam-o-nghe-an-post730856.html
Bài liên quan
Chuyên gia khảo cổ Italia tham gia khai quật khu đền tháp Mỹ Sơn
Chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học và Quỹ C.M. Lerici (Italia) sẽ cùng các nhà khảo cổ Việt Nam khai quật nhóm tháp L thuộc khu đền tháp Mỹ Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Giải mã' nghĩa địa hơn 5.000 năm ở Nghệ An