Giáo dục quốc phòng

Giải mã 'vũ khí mới' được Ukraine kỳ vọng thay đổi tình hình xung đột với Nga

05/09/2024 19:01

Tên lửa lai máy bay không người lái (UAV) Palianytsia tầm xa được cho là vũ khí giúp Ukraine tấn công các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nga mà không chịu sự hạn chế từ phương Tây.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X vào cuối tháng 8, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã lần đầu tiên tiết lộ hình ảnh UAV Palianytsia tầm xa do Ukraine sản xuất, và cho biết Kiev đã sử dụng thiết bị này để tấn công quân đội Nga.

Chia sẻ với tờ Kyiv Independent, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định khác nhau về vũ khí mới của Ukraine. Theo chuyên gia quốc phòng Andrii Kharuk, UAV Palianytsia về cơ bản là tên lửa hành trình hạng nhẹ.

UAV Palianytsia tầm xa do Ukraine sản xuất. Ảnh: Military Review

UAV Palianytsia tầm xa do Ukraine sản xuất. Ảnh: Military Review

Ông Kharuk cho biết: “Nó là một tên lửa hành trình thông thường và cổ điển - một phương tiện bay không người lái (UAV) mang theo tên lửa, và trong trường hợp này là trang bị động cơ tuabin phản lực”.

"Theo hình ảnh được công bố, Palianytsia là một tên lửa tương đối nhỏ. Lượng thuốc nổ mang theo chỉ khoảng vài chục kg, chứ không phải 400kg hoặc hơn như các tên lửa hành trình cỡ lớn”, ông nói thêm.

Còn theo ông Federico Borsari tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA), Palianytsia là UAV tấn công một chiều, tốc độ cao.

"Thông thường, tên lửa bay với tốc độ cao hơn so với những gì chúng ta biết về Palianytsia. Do đó, nó có thể là UAV tấn công một chiều mang một số đặc điểm của tên lửa. Nó được trang bị đầu đạn phân mảnh nặng khoảng 20kg hoặc mang đầu đạn loại khác, tầm bay từ 500-700km", ông Borsari nhận định.

Trong khi đó, ông Oleksandr Dmitriev, cố vấn về hệ thống tự động không người lái và công nghệ thông tin cho Tư lệnh Lực lượng Lục quân thuộc quân đội Ukraine, cho biết Palianytsia có thể được so sánh với tên lửa hành trình.

"Bạn có thể so sánh nó với tên lửa, nhưng tên lửa có cơ chế điều khiển hơi khác. Ranh giới giữa tên lửa hành trình và UAV Palianytsia là rất mong manh. Mục tiêu tấn công của tên lửa hành trình không thể được điều chỉnh trong quá trình bay, nhưng Palianytsia thì có thể. Về cơ bản, đó là sự khác biệt", ông Dmitriev nói.

Cả 3 chuyên gia đều có chung nhận định công nghệ chế tạo UAV Palianytsia không phải là mới, nhưng Ukraine đã kết hợp được các công nghệ hiện có quen thuộc để tạo ra vũ khí mới có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu ở xa nằm trong lãnh thổ Nga.

Theo thông tin được tiết lộ, UAV Palianytsia được trang bị động cơ phản lực và được phóng từ bệ phóng trên mặt đất, thay vì từ máy bay hoặc tàu. Tầm bắn chính xác của vũ khí này vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng theo đoạn video mà Ukraine công bố, UAV Palianytsia có khả năng tiếp cận 20 sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Một trong số đó là căn cứ không quân Savasleyka nằm cách biên giới Ukraine gần 665km. Căn cứ này là một trong 4 mục tiêu bị Ukraine tập kích trong cuộc không lớn quy mô lớn nhằm vào Nga hôm 14/8. Song Ukraine không tiết lộ thiết bị nào được sử dụng trong cuộc tấn công.

Giới chức Ukraine cho hay, mất một năm rưỡi để chuyển UAV Palianytsia từ bản thiết kế sang lần sử dụng chiến đấu thành công đầu tiên. Hôm 27/8, Bộ trưởng Chuyển đổi số của Ukraine Mykhailo Fedorov cho hay chi phí sản xuất 1 UAV Palianytsia là dưới 1 triệu USD. Con số này rẻ hơn nhiều khi so sánh với tên lửa hành trình Kh-101 của Nga có giá khoảng 13 triệu USD, nhưng lại đắt hơn UAV cảm tử Shahed-136 của Nga có giá chỉ 50.000 USD.

Tên lửa Neptune của Ukraine. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Tên lửa Neptune của Ukraine. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Vì sao Ukraine cần Palianytsia?

Ukraine bị cấm sử dụng một số vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Điều này khiến Kiev phải phát triển các phương án thay thế.

Ông Borsari cho rằng, một vũ khí đủ nhanh để tấn công các mục tiêu như máy bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga là rất cần thiết, trong khi các tên lửa hiện có của Ukraine không đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ.

"Pilianytsia chắc chắn là thứ mà Ukraine cần nhưng trước đây không có. Neptune (tên lửa hành trình cận âm do Ukraine sản xuất) không có tầm bắn đủ xa, Tochka-U (tên lửa đạn đạo chiến thuật do Liên Xô cũ sản xuất) có tầm bắn hạn chế và rất lỗi thời nên dễ dàng bị hệ thống phòng không Nga đánh chặn", ông Borsari nói.

Theo các chuyên gia, Palianytsia sẽ không phải là cây đũa thần có thể tự mình xoay chuyển cục diện xung đột với Nga, cũng như mang lại ưu thế cho Ukraine. Tuy nhiên, trong trường hợp sản xuất hàng loạt và sử dụng kết hợp với các loại vũ khí khác, Ukraine có thể phản công hiệu quả.

Chỉ vài ngày sau thông báo về Palianytsia, Tổng thống Zelensky cũng tiết lộ Ukraine đã thực hiện thành công cuộc thử nghiệm đối với tên lửa đạn đạo đầu tiên do nước này tự sản xuất.

"Đây chính xác là sự kết hợp mà Ukraine cần để đe dọa các mục tiêu quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ Nga", ông Borsari kết luận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải mã 'vũ khí mới' được Ukraine kỳ vọng thay đổi tình hình xung đột với Nga