Giai đoạn 1 (tuần 1- 3): Ôn kiến thức cơ bản về kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng làm các dạng đề nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Giai đoạn này ôn đầu năm học, cung cấp kỹ năng cơ bản cho học sinh, truy bài lý thuyết về các bước cơ bản đối với từng dạng đề, ra đề yêu cầu học sinh vận dụng lý thuyết thực hành bài tập đọc hiểu. Đây là giai đoạn quan trọng vì các em phải nắm đưọc các kỹ năng thì mới giải được bài tập.
Giai đoạn 2 (tuần 4 đến tuần 7): Ôn kiến thức trọng tâm các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa Ngữ văn 11, 12. Phần này chiếm 10/20 điểm trong tổng bài thi. Cách thực hiện là dạy kỹ kiến thức nền, sau đó cho học sinh đối chiếu so sánh giữa các tác giả, tác phẩm để khắc sâu tri thức, không nhầm lẫn kiến thức. Bên cạnh đó, giáo viên cũng dành 1, 2 buổi ôn để truy bài lý thuyết.
Giai đoạn 3 (tù tuần 8 đến tuần 14): Thực hành bài tập đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Giáo viên sưu tầm những đề đọc hiểu ôn thi tốt nghiệp THPT của những năm trước của các trường trong tỉnh Đồng Tháp do hội đồng bộ môn gửi, tham khảo thêm trên mạng cho học sinh giải để khắc sâu kỹ năng. Phần nghị luận xã hội, nghị luận văn học, yêu cầu học sinh phân tích đề, lập dàn ý.
Giáo viên lồng ghép truy bài lý thuyết những câu nói hay, ca dao, thơ về ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống, cho học sinh đối thoại, phát vấn làm rõ vấn đề. Giới hạn nội dung theo từng giai đoạn để học sinh chủ động, tạo tâm thế học tập. Truy bài những câu lý luận hay về thơ, truyện ngắn; những lý luận thường gặp trong đề thi, như chức năng văn học, đặc điểm thơ, hình tượng nhân vật, chi tiết, hình ảnh...
Giai đoạn 4 (tuần 15 đến tuần 19): Giải đề tổng hợp. Giáo viên cho học sinh giải đề thi thử của những năm trước; bên cạnh đó nghiên cứu, sưu tầm biên soạn thêm một số dạng đề theo cấu trúc thi của sở cho học sinh giải. Trong quá trình giải đề tổng hợp, lưu ý học sinh việc phân chia thời gian hợp lý. Ví như phần đọc hiểu làm trong khoảng 25-30 phút, phần nghị luận xã hội viết 60 phút và phần nghị luận văn học là 90 phút. Khi giải đề, giáo viên không giới hạn nội dung như ở giai đoạn 3. Ngoài ra, kết hợp với thi thử vòng trường sẽ yêu cầu học sinh nghiêm túc rút kinh nghiệm và có kế hoạch bổ sung, khắc phục những hạn chế trong bài thi
Giai đoạn 5 (tuần 20 đến 25 ): Luyện viết - tham khảo những đoạn, bài văn đạt giải. Một bài văn của học sinh muốn đạt điểm cao phải viết đúng, hay. Hay ở đây có thể hiểu là lời văn mạch lạc, trôi chảy, hành văn sáng tạo, chuyên sâu.
Vì thế giai đoạn luyện viết, thầy Nhân yêu cầu học sinh viết đoạn văn theo luận điểm có vận dụng lý luận, dẫn chứng mở rộng theo công thức như sau: (1) Chuyển ý - (2) Luận điểm - (3) Nội dung, nghệ thuật đoạn văn/thơ - (4) Liên hệ mở rộng câu nói hay lý luận, thơ; hay có khi yêu cầu học sinh diễn đạt sáng tạo đưa lý luận lên đầu đoạn, giữa đoạn.
Sau đó, giáo viên tiến hành chấm, chỉnh sửa, rút kinh nghiệm cho từng em. Cùng với đó, cho học sinh đọc những đoạn, bài văn đạt giải rồi yêu cầu các em phân tích cái hay, hạn chế (nếu có) để rút ra kinh nghiệm cho bản thân.
Giai đoạn cuối (tuần 26 đến 28 ): Củng cố kiến thức cơ bản.
Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá
Nhằm tạo hứng thú, say mê học tập, trong quá trình bồi dưỡng, thầy Nguyễn Thanh Nhân cho biết thường vận dụng nhiều phương pháp, như kỹ thuật mảnh ghép, phát vấn, gợi mở, đóng vai, đôi bạn cùng tiến; sử dụng máy chiếu cho học sinh xem đoạn phim tư liệu về tác giả, tác phẩm, sự kiện lịch sử có liên quan, chiếu bài tập đọc hiểu, bài văn hay cho học sinh xem. Tạo Zoom giao bài tập và hướng dẫn, giải đáp cho học sinh.
Để giúp học sinh hình dung được khi làm bài thi thiếu phần nào sẽ mất bao nhiêu điểm, thầy Nhân cho học sinh tiếp cận thang điểm chấm (phần cứng); từ đó các em thấy được tầm quan trọng của việc viết chữ cẩu thả khó đọc hay viết không phân đoạn, mở bài - kết bài không đạt sẽ mất điểm.
Theo sát mức độ tiến triển của học sinh trong quá trình bồi dưỡng, thầy Nguyễn Thanh Nhân thường cho kiểm tra, đánh giá mức độ học tập của học sinh qua mỗi chuyên đề, giai đoạn. Đề có thời gian làm bài 180 phút, giống cấu trúc đề thi học sinh giỏi. Bồi dưỡng tới giai đoạn nào sẽ ra đề phù hợp theo giai đoạn đó.
Giáo viên có khen thưởng quà để động viên, khích lệ; chấm, sửa bài ghi vào quyển nhật kí bảng đánh giá của từng học sinh.