Trả lời vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính, cho biết đề án tuyển sinh từng trường khác nhau, rất nhiều trường vẫn sử dụng giải cấp tỉnh môn Lịch sử để xét tuyển, tùy thuộc vào đặc điểm từng ngành để áp dụng.
"Hiện tại, Bộ GD&ĐT đã cho các trường tự chủ trong việc sắp xếp các tổ hợp xét tuyển phù hợp với từng ngành nghề. Điều này rất quan trọng, chỉ các trường mới đánh giá được phù hợp hay không", PGS.TS Nguyễn Đào Tùng cho biết.
Theo ông Tùng, hiện các ngành tuyển sinh của Học viện Tài chính cũng chưa áp dụng ưu tiên đối với giải cấp tỉnh môn Lịch sử bởi theo quy định, các tổ hợp xét tuyển phải có liên quan chuyên ngành.
Ông Tùng cho rằng ý kiến của học sinh có phần đúng, khi kinh doanh chúng ta phải biết về văn hóa, lịch sử. Vì vậy thời gian tới, Học viện Tài chính có thể sẽ nghiên cứu ngành/chuyên ngành kinh tế có liên quan đến môn học này.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Ngoại thương, cho biết các trường đại học tự chủ trong tuyển sinh, vì vậy, các trường sẽ xây dựng chính sách theo quan điểm tiếp cận, lựa chọn đầu vào phù hợp với các chương trình đào tạo.
"Riêng với Đại học Ngoại thương, việc xét giải tỉnh/thành phố là một trong những phương thức xét tuyển sớm vào trường. Nhà trường xác định các tổ hợp xét tuyển phù hợp với đối tượng học cho các chương trình đào tạo. Hiện nay, môn Lịch sử chưa nằm trong tổ hợp xét tuyển nào của trường", bà Hiền cho biết.
Theo bà Hiền, ý kiến của em học sinh trên sẽ được các trường đào tạo khối ngành kinh tế xem xét, cân nhắc cho các năm tới.