Theo Giám đốc Đào Xuân Cơ, Nghị quyết mới vừa được Chính phủ ban hành đã tháo gỡ vướng mắc này. "Bệnh viện đang nghiên cứu, hết một năm nay, tính đến mua sắm tiếp hoặc cần cơ chế thuê khoán, nhưng cần phải có văn bản hướng dẫn không thì các bệnh viện lâm vào cảnh tắc", ông Cơ nói thêm.
Máy móc hiện đại không còn được sử dụng nhưng vẫn cần bật điều hòa suốt ngày đêm để bảo quản.
Lỗ hổng nhân lực
Năm 2022 Bệnh viện Bạch Mai tăng đột biến bệnh nhân nhưng chênh lệch thu chi thấp, không đảm bảo khi thu bằng giá bảo hiểm y tế, ông Cơ chỉ ra bất cập.
“Mặc dù bệnh nhân đông, thiếu thiết bị y tế nên nhân viên làm ca kíp, đi từ 3-4 giờ để kịp 5 giờ sáng làm việc. Làm sớm cho bệnh nhân ngoại trú đến hết trưa. Chiều đến đêm dành cho bệnh nhân nội trú. Trừ bệnh nhân cấp cứu nội trú được chụp ban ngày. Nhưng nhân viên không được thêm thu nhập nên nhân viên không an tâm làm việc. Thu nhập tăng thêm chỉ bằng 1/5-1/3 so với năm 2019", TS Đào Xuân Cơ chia sẻ.
Chính từ đây bắt đầu cho việc bệnh viện bị “chảy máu chất xám” khi có tới hơn 100 bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ có tay nghề giỏi xin chuyển đi. Giám đốc Đào Xuân Cơ kể: “Tôi nhận được những tin nhắn của nhân viên như “Anh bắt em đi làm từ sáng sớm đến khuya mới về mà không có tiền thêm nên em xin cho làm đúng giờ hành chính để dành thời gian dạy ngoại ngữ cho con”.
Rất buồn. Từ đây tạo ra dòng người sang các bệnh viện lân cận. Khối hậu cần và chuyên môn đều xin đi. Hơn 100 cán bộ giỏi của bệnh viện đã xin chuyển. Tất nhiên cũng có cán bộ trẻ về nhưng cần hàng chục năm để đào tạo ra cán bộ giỏi nên tạo ra lỗ hổng về nguồn nhân lực.
Việc thất thoát bác sĩ giỏi mất đi những thế hệ kế nhiệm vì không còn người đào tạo bác sĩ trẻ kế cận. Thời gian qua tự chủ bệnh viện đã phải cân đối lại giá đào tạo sinh viên thực tập. Trước là miễn phí nhưng hiện nay phải đóng phí. Bác sĩ vùng sâu vùng xa đến học phải đóng học phí. Bệnh viện phần lớn giải quyết miễn phí theo đơn đề nghị của địa phương. Tuy nhiên đây cũng là rào cản trong việc đào tạo thế hệ trẻ”.
Xin tự chủ chi thường xuyên
Bạch Mai là bệnh viện lớn, tuyến cuối tại miền Bắc và là một trong 4 bệnh viện cả nước thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 (nhóm một). Ba bệnh viện còn lại là Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Tuy nhiên, chỉ bệnh viện Bạch Mai và K thực hiện tự chủ tài chính toàn diện. Tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên.
"Bệnh viện nghiên cứu kĩ, nếu được tự chủ theo nhóm 2 trong giai đoạn này là rất hợp lí. Tự chủ theo nhóm 2, bệnh viện chỉ chi thường xuyên và vẫn được hỗ trợ xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm các thiết bị. Theo tôi, sau này điều kiện, cơ sở hạ tầng tốt, có văn bản pháp quy rõ ràng thì sẽ nghĩ đến tự chủ toàn diện, nhưng phải có lộ trình”, ông Cơ nói.
Nghị định 60 chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên. Ông Cơ cho rằng Nghị định 60 rất linh hoạt, cho phép đơn vị sự nghiệp công lập xem xét thực hiện theo nhóm nào và Bệnh viện Bạch Mai đang trình xin hoạt động theo nhóm hai "tự chủ chi thường xuyên".