Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu: Hãy để người lao động lựa chọn

Theo An Khánh | 01/03/2023, 10:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động, cần xây dựng chính sách BHXH sao cho khi nghỉ hưu đúng số năm quy định đóng BHXH thì người lao động được trả lương bằng mức sống tối thiểu.

Dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-2023. Trong dự thảo này, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có bài viết: "Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu: Phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu" và nhận được phản hồi tích cực của các độc giả. Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Lương hưu cần phải bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động đóng BHXH, vậy nên chăng chúng ta cần xây dựng chính sách BHXH sao cho khi nghỉ hưu đúng số năm quy định đóng BHXH thì người lao động được trả lương bằng mức sống tối thiểu, nếu muốn cải thiện mức sống tốt hơn thì gắng đóng BHXH nhiều hơn chút. Có như vậy mới kích thích được người lao động tham gia đóng BHXH dài lâu. Chứ giảm tuổi chỉ là mong muốn của nhà quản lý để chặn bớt đối tượng rút một lần chứ không mang lại lợi ích cho người lao động là bao. "Mỗi năm có bao nhiêu người lao động độ tuổi 45 trở lên có nhu cầu đóng BHXH có bao nhiêu người 45 tuổi trở lên được tuyển lao động và có bao nhiêu người 45 tuổi trở lên mất việc. Nhà quản lý nên thống kê và công bố con số đó một cách thực tế để có cái nhìn đúng đắn khi làm chính sách an sinh xã hội là BHXH" – bạn đọc này góp ý.

Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu: Hãy để người lao động lựa chọn - Ảnh 1.

Đồng quan điểm, một bạn đọc cho rằng chính sách BHXH nên nghiên cứu xây dựng theo hướng đóng BHXH 25 năm nghỉ hưu sẽ được lĩnh bằng mức sống tối thiểu, đóng 30 năm được mức sống trung bình, đóng 35 năm trở lên được mức sống trung bình khá. Khi đã đóng đủ mức đó thì người lao động được nghỉ hưu chứ không phải đủ tuổi. Việc sống tối thiểu, trung bình, hay trung bình khá để người lao động căn cứ vào sức khỏe của chính mình mà quyết định.

Theo bạn đọc Phạm Thịnh, giảm tuổi nghỉ hưu thì mới là hợp lòng dân, an sinh xã hội cao thì đời sống người dân bớt khổ. Tuổi hưu cũng tùy sức khỏe, công việc và mong muốn cá nhân. BHXH phải để người dân tự quyết định tương lai của họ. Một bạn đọc giấu tên viết: "Hình như các nhà làm chính sách không hiểu hoặc không muốn hiểu 2 từ "bảo hiểm". Bảo hiểm xã hội cũng là một loại hình bảo hiểm, do vậy người lao động người ta trích lương ra đóng bảo hiểm trong thời hạn 10,15, 20, 30 năm thì khi đến hạn người đóng bảo hiểm có quyền tất toán (theo quy định), vậy hà cớ gì bắt người mua bảo hiểm phải đợi tuổi đời đủ 60 mới được rút 1 lần hoặc lĩnh lương hưu? Như vậy không nên gọi là luật Bảo hiểm xã hội mà đổi thành luật An sinh xã hội phù hợp hơn.

Bạn đọc Đặng Tùng góp ý: "Nếu người lao động ở các doanh nghiệp đã đóng BHXH được 20 năm nhưng mất việc làm từ năm 50 tuổi thì được BHXH trả lương bằng 45% của trung bình 5 năm cuối, đến năm đủ 60 tuổi thì hưởng lương hưu trí theo như qui định hiện nay. Vì người lao động sau 50 tuổi bị mất việc thì khó xin đâu được việc làm, không có tiền để lo cho cuộc sống bản thân, cho con đi học, lo cha mẹ già yếu".

Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu: Hãy để người lao động lựa chọn - Ảnh 2.

Một bạn đọc khác chia sẻ: "Theo tôi, người lao động tại các doanh nghiệp đóng bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu và không trừ 2% như hiện nay thì mới là nhân văn. Chẳng hạn người lao động đóng đủ 20 năm bảo hiểm thì được 45% lương hưu. Đóng 10 năm tiếp được 20% lương hưu, như vậy được 65% lương hưu; Đóng đủ 35 năm BHXH thì được 75% lương hưu; Đóng đủ từ 40 năm BHXH trở lên thì được 80% lương hưu và không bị trừ nếu thiếu tuổi nghỉ hưu. Còn như hiện nay người lao động đóng đủ 20 năm bảo hiểm thì được 45% lương hưu, đóng 10 năm tiếp được 20% lương hưu, như vậy được 65% lương hưu. Nhưng nếu thiếu 5 năm đóng BHXH và 5 năm tuổi như vậy người lao động sẽ bị trừ mỗi năm đóng thiếu BHXH là 2%, mỗi năm thiếu tuổi là 2%. Như vậy người lao động muốn nghỉ hưu sẽ bị trừ tổng cộng là 20%, lúc đó chỉ được nhận 45% lương hưu, như vậy là mất đứt 10 năm đóng BHXH, người lao động chẳng còn được bao nhiêu. Đây cũng là một lý do NLĐ rút BHXH một lần.

Phải giảm tuổi hưu

Bạn đọc Nguyễn Quốc Anh góp ý: "Tuổi hưu phải giảm hơn so với quy định. Tương ứng với quy định số năm hưởng lương hưu. Cụ thể nếu quy định đóng 15 năm thì đủ điều kiện hưởng lương hưu, thì người lao động phải được quyền yêu cầu hưởng lương hưu từ năm đã đủ 15 năm đóng BHXH, với tỉ lệ thấp vẫn được. Phải cho người dân có sự lựa chọn. Ví dụ, người lao động muốn đóng 20 năm thì tăng tiền nhận lên. Có như thế mới công bằng

Bài liên quan
Singapore trả tiền cho người lao động học về AI
Trong công bố ngân sách năm 2024, Singapore sẽ nâng cao và đào tạo lại kỹ năng trí tuệ nhân tạo (AI) cho những người trên 40 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu: Hãy để người lao động lựa chọn