Sài Gòn 24/7

Giám sát thịt heo sạch ở TPHCM bằng 'vòng đeo chân': Vẫn hời hợt và làm chiếu lệ!?

14/08/2024 09:01

Liệu chiếc vòng đeo ở chân những con heo trong chợ đầu mối Hóc Môn (TPHCM) có độc quyền, vì sao heo phải đeo vòng... là việc gây nhiều thắc mắc.

Loạt câu hỏi trên của ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, được đưa ra tại buổi giám sát công tác quản lý an toàn thực phẩm đêm 12/8 tới rạng sáng 13/8, nhưng chưa có câu trả lời.

Vòng đeo chân heo có mã QR… nhưng quét không ra

Ghi nhận của PV Báo Giáo dục và Thời đại, thời điểm kiểm tra tại Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, đoàn giám sát phát hiện xe BKS: 70H-02330 đưa heo hơi về chờ giết mổ nhưng heo không được đeo vòng truy xuất nguồn gốc trực tiếp trên 2 chân mà lại để riêng, được đem theo xe và còn trong bọc.

e0302fba8a9d2ec3778c (1).jpg
Ông Cao Thanh Bình kiểm tra heo xuống xe trước khi vào lò mổ.

Lý giải việc này, các đơn vị liên quan cho rằng, trong quá trình vận chuyển, giết mổ, vòng có thể bị rớt ra ngoài nên chỉ đem theo xe, sau khi việc giết mổ xong sẽ được đeo vào chân heo theo đúng lô.

Thực tế, khi ông Bình chọn ngẫu nhiên 2 xe lạnh chở heo mảnh về chợ đầu mối Hóc Môn, phát hiện xe có vòng niêm phong của thú y. Vòng niêm phong truy xuất nguồn gốc nhưng khi dùng thiết bị chuyên dụng của cán bộ quản lý an toàn thực phẩm tại chợ để kiểm tra, phát hiện thông tin không khớp với bảng giấy.

IMG_9467.JPG
Vòng không được đeo vào chân heo mà được đóng gói đi kèm theo xe.

Khi bị đề nghị giữ lô heo, kiểm tra thêm về vấn đề này, đại diện Đội Quản lý an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Hóc Môn giải thích: “Giấy chứng nhận kiểm dịch có giá trị pháp lý nên lô hàng vẫn nhập chợ bình thường, trường hợp này, Đội chỉ nhắc nhở các bên liên quan nhập số liệu cho chính xác”.

Lò mổ đầy đủ, nguồn heo thì thiếu

Ngoài câu chuyện vòng heo truy xuất nguồn gốc, một vấn đề được đề cập đến trong buổi làm việc là nguồn heo đang thiếu rất nhiều.

IMG_9437.JPG
Sau khi heo được làm sạch, trước khi lên xe để tới chợ sẽ được đeo vòng vào chân.

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Tô Văn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, cho biết, công suất giết mổ heo công nghiệp của các nhà máy tại TPHCM khoảng 10.000 con/ngày nhưng hiện chỉ khai thác được 25% do thiếu nguồn heo.

Từ tháng 4/2023, khi nhà xưởng số 2 đi vào hoạt động song song với nhà xưởng số 1 và ngưng hoạt động giết mổ thủ công. Tổng công suất thiết kế cho 2 nhà máy này là 4.000 con/ngày.

Tuy nhiên, trong năm 2023, sản lượng giết mổ chỉ đạt hơn 2.000 con/ngày (chiếm khoảng 50,42% công suất) và trong 6 tháng đầu năm 2024 tổng sản lượng giết mổ đã giảm, chỉ còn gần 1.900 con/ngày (đạt 47,17% công suất).

7e4689522275862bdf64 (1).jpg
Thông tin sau khi quét mã vạch của vòng đeo chân heo nhặt được dưới đất.

Theo ông Liêm, trước đó, TPHCM chưa xây dựng các nhà máy công nghiệp và yêu cầu giết mổ công nghiệp 100%, các cơ sở giết mổ thủ công này của Long An chỉ giết mổ, cung cấp cho người dân địa phương với công suất không quá 50 con/ngày.

“Hiện nay, nguồn heo sống tập trung chuyển về Long An giết mổ ở các cơ sở thủ công rồi chuyển thịt heo mảnh về chợ đầu mối Hóc Môn với sản lượng hằng đêm chiếm hơn 50% tổng sản lượng heo về chợ”, ông Liêm cho hay.

Việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc chỉ khuyến khích, không bắt buộc nên chế tài xử lý chưa có, chủ hàng chưa thực hiện. Qua kiểm tra còn phát hiện nhiều lỗ hổng, ông Cao Thanh Bình khẳng định, sẽ giám sát kỹ hơn Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám sát thịt heo sạch ở TPHCM bằng 'vòng đeo chân': Vẫn hời hợt và làm chiếu lệ!?