Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, trường nào cũng có ban đại diện cha mẹ học sinh làm công việc giám sát chất lượng giáo dục, giám sát thu chi. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành cả Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh để tạo “hành lang pháp lý” cho tổ chức này hoạt động. Nhưng lạm thu vẫn xảy ra và phần lớn liên quan đến ban đại diện cha mẹ học sinh do sự thiếu minh bạch trong thu chi dưới những cái tên - tự nguyện, thỏa thuận.
Ở nhiều nơi, ban đại diện cha mẹ học sinh lại biến tướng trở thành cánh tay đắc lực trong việc vận động và thu các khoản tự nguyện, thỏa thuận cho trường. Họ có quyền giám sát, nhưng lại yếu thế vì sợ “mất lòng” nhà trường, ảnh hưởng đến con cái. Chính vì điều này mà việc than cứ than nhưng rất ít phụ huynh dám lên tiếng, lộ mặt bày tỏ quan điểm của mình về các khoản thu.
Để chống lạm thu hiệu quả, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cần tăng cường các nội dung giám sát. Từ năm 2013, Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội đã xây dựng, thí điểm đề án Hội đồng giám sát cộng đồng trường học. Đề án được triển khai đến năm 2015 tại 6 trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai và đã đúc rút được một số kinh nghiệm quý báu.
Hội đồng giám sát trong trường học vẫn “trao quyền” cho phụ huynh, nhưng không chỉ là giám sát mà còn có quyền quyết định. Thành phần của hội đồng tuyệt đối không có thành viên ban giám hiệu nhà trường mà bao gồm phụ huynh và đại diện các ban, ngành địa phương nơi trường hoạt động: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học...
Hội đồng giám sát được tham gia trực tiếp vào hoạt động thu, chi các khoản ngoài ngân sách của trường học. Hội đồng được quyền cùng bàn bạc với ban giám hiệu, đại diện cha mẹ học sinh về các khoản cần đóng góp. Sau khi thống nhất, Hội đồng được giám sát thực hiện thoả thuận của nhà trường. Như vậy, phụ huynh trực tiếp tham gia và quyết định vào các khoản thu chi của trường.
Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh từ sự ủng hộ tự nguyện của phụ huynh và nguồn tài trợ hợp pháp. Nghiêm cấm việc quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho phụ huynh. Phụ huynh có quyền từ chối ủng hộ khi được ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện. Không được huy động ủng hộ các hoạt động: Khen thưởng giáo viên, hỗ trợ hoạt động dạy học.
Cô Ngô Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Là một trong 6 trường thực hiện thí điểm đề án “Xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của hội đồng giám sát cộng đồng ở trường học”, nhà trường nhận thấy các giáo viên, phụ huynh và cộng đồng dân cư đều ủng hộ, mong muốn có cơ chế giám sát chặt chẽ và khách quan đối với các trường.
Đến nay, nhà trường vẫn áp dụng những bài học kinh nghiệm của mô hình hội đồng giám sát cộng đồng ở trường học để ngăn tình trạng lạm thu. Mỗi khoản thu thỏa thuận đều được công khai, minh bạch, dưới sự giám sát của phụ huynh và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc địa phương.