Chị Nguyễn Thị Hoa (Bắc Ninh) cho biết, chị làm công nhân ở công ty nước ngoài và đóng BHXH từ năm 2007 tới nay. Theo thông tin trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam, công ty đóng BHXH cho chị theo mức lương tối thiểu vùng, lúc đầu mức lương 450 nghìn đồng/tháng, nay lên 4,68 triệu đồng/tháng. “Tới năm 2025, khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực và tới tuổi nghỉ hưu, chị có 17 năm đóng BHXH, mức lương tính đóng bình quân cả quá trình chỉ khoảng 3,4 triệu đồng/tháng, khi nghỉ hưu sẽ nhận lương khoảng 1,6 triệu đồng/tháng”, chị Hoa nhẩm tính khi nghe về đề xuất mới của Bộ LĐ-TB&XH về sửa Luật BHXH. Trường hợp lao động nam có cùng mức đóng và thời gian đóng như trên, mức lương hưu nhận được khoảng 1,1 triệu đồng/tháng (tương ứng 38,2% mức đóng).
Có thể đóng bổ sung để nhận lương hưu cao
Khi giảm thời gian đóng BHXH để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, dù có thêm nhiều NLĐ có lương hưu, nhưng nhóm nhận mức lương hưu thấp cũng sẽ tăng thêm. Điều này dẫn tới những lo ngại rằng, ngân sách nhà nước phải cấp bù để đảm bảo mức lương và cuộc sống cho người có mức lương hưu thấp, tương tự như các lần điều chỉnh lương hưu gần đây.
Cụ thể, trong lần tăng lương hưu vào đầu năm 2022, ngoài mức tăng thêm 7,4% cho tất cả người có lương hưu, nhóm người nhận lương hưu trước năm 1995, lương hưu dưới 2,5 triệu đồng/tháng còn được tăng bổ sung từ ngân sách nhà nước. Trong đó, người có mức lương dưới 2,3 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm 200 nghìn đồng/người/tháng; người có lương hưu từ 2,3 đến 2,5 triệu đồng/tháng sẽ được tăng để đạt mức lương 2,5 triệu đồng/tháng…
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH cho rằng, khi có lương hưu, dù thấp, người nghỉ hưu sẽ được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, các chế độ tử tuất. Điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ bao phủ BHXH khi số người hưởng BHXH một lần. “Nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng, nên người đóng trong thời gian dài hơn thì sẽ nhận mức lương hưu cao và ngược lại. Có người đóng ít, và chỉ đóng trong 15 năm, sẽ nhận mức lương hưu thấp nhưng vẫn hơn không có lương hưu. Với quy định này, Nhà nước sẽ gặp rủi ro hơn NLĐ, vì có người đóng ít năm nhưng nhận lương hưu kéo dài khi tuổi thọ tăng lên. Ngân sách sẽ phải bù cho phần hưởng vượt thời gian đóng”, bà Hương nói.
Về lo ngại rằng, thực tế sẽ có người chỉ tham gia đóng bảo hiểm trong thời gian tối thiểu, hoặc nhiều người nhận mức lương hưu thấp, ngân sách phải bù, bà Hương nêu đề xuất: Có thể cho phép NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH thấp có thể đóng thêm vài năm để nhận lương hưu cao hơn.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH, đơn vị xây dựng luật) cho hay, cùng với việc giảm điều kiện đóng BHXH để nhận lương hưu xuống 15 năm, sẽ có các quy định bổ sung để giải quyết tình huống lương hưu thấp. Theo ông Nam, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như: NLĐ tham gia BHXH 15 năm có thể chưa nhận lương hưu và đóng tiếp. Thời gian kéo dài đóng BHXH sẽ được tính tỷ lệ vào lương hưu cao hơn....