Tuần qua, trao đổi với báo chí, ông Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay về cơ bản kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn ổn định như năm 2021. Do vậy, Bộ sẽ không sửaquy chế và cũng sẽ không ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT mới như mọi năm.
Tuy không công bố quy chế thi mới nhưng Bộ vẫn công bố đề thi minh họa để thí sinh tham khảo trong thời gian tới. Trong lúc chờ đề minh họa của năm nay, thí sinh có thể tham khảo đề minh họa năm 2021.
Cũng theo ông Phong, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thời gian kết thúc năm học đối với lớp 12 có thể kéo dài đến hết tháng 6/2022 ở một số địa phương, nên Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 7/2022. Việc thi một đợt hay hai đợt sẽ phụ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh, Bộ sẽ có thông báo hướng dẫn kịp thời.
Trước đó, Cục Quản lý chất lượng đã xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thời gian dự kiến ban đầu là cuối tháng 6/2022. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Bộ đã có công điện gửi các sở hướng dẫn việc này.
Theo đó, tổ chức việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.Riêng với học sinh lớp 12, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hoàn thành năm học 2021 - 2022 trước ngày 30/6.
Với những địa phương không thể hoàn thành trước ngày 30/6 vì lý do bất khả kháng, cần kịp thời báo cáo bộ để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo phù hợp với kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Phê duyệt Chương trình GD đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng
Ngày 5/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”.
Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, qua đó góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hoá, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và kỹ năng hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số hoá.
Hình thành và phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý, làm chủ thông tin và các công cụ, phương tiện kỹ thuật trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trên không gian mạng; chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin "xấu", "độc", tiếp nhận thông tin tích cực trên không gian mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tích cực thực hiện hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Chương trình phấn đấu đến năm 2025 trên 90% cán bộ đoàn, hội, đội, đoàn viên, hội viên và 80% thanh niên, thiếu niên được tuyên truyền và tích cực thực hiện Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; đến năm 2030, đạt 100% và 90% các chỉ tiêu tương ứng. Đến năm 2025, đạt trên 70% và đến năm 2030, phấn đấu đạt trên 90% thanh niên sử dụng và tương tác thường xuyên với ứng dụng di động "Thanh niên Việt Nam".
Đến năm 2030, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn, trường học, công sở các cấp có các kênh thông tin trên không gian mạng để kết nối, tập hợp, tương tác, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu nhi.