Giáo dục

'Giáo án' đặc biệt

04/05/2024 08:12

Nhằm tạo không gian học tập và trải nghiệm hấp dẫn cho học sinh, nhiều trường học tại Hà Tĩnh đã thiết kế các khu trải nghiệm lịch sử trong khuôn viên.

Mô hình trở thành “giáo án” trực quan sinh động cho học trò trong những giờ học lịch sử.

Học sinh Trường Tiểu học Đỉnh Bàn thực hành thuyết minh giới thiệu về lịch sử.

Trải nghiệm lịch sử tại trường

Mô hình “Vườn lịch sử” tại Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) xây dựng từ tháng 8/2022. Tận dụng khuôn viên nhỏ hẹp, ban giám hiệu đã lên ý tưởng xây dựng và hiện thực hóa sau 5 tháng thi công.

Với khẩu hiệu “Yêu quê hương Hà Tĩnh, em chăm ngoan học giỏi”, không gian trải nghiệm là khu liên hợp đa dạng cho hơn 1 nghìn học sinh nhà trường vui chơi, học tập.

Chia sẻ về khu “Vườn lịch sử”, cô Tống Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hà cho hay: Trước khi xây dựng, ban giám hiệu đã họp bàn kỹ lưỡng với thầy, cô để tìm ra chủ đề thích hợp, sao cho vừa đảm bảo cảnh quan trường học xanh - sạch - đẹp, vừa liên hệ thực tế với môn học.

Khu vườn dựa trên ý tưởng lấy chặng đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ đề chính. Mỗi mô hình nhằm tái hiện từng dấu mốc quan trọng trên chặng đường hoạt động cách mạng của Người như: Làng Sen, Bến Nhà Rồng; Hang Cốc Bó (tỉnh Cao Bằng) - nơi vào năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam... đến Quảng trường Ba Đình - Bác đọc Tuyên ngôn độc lập năm 1945…

Tất cả mốc thời gian, khung cảnh tái hiện được thầy, cô giáo lựa chọn, thiết kế tỉ mỉ, sáng tạo. Xen giữa các bối cảnh mốc thời gian là lời dặn của Bác Hồ dành cho thiếu niên nhi đồng được khéo léo lồng ghép bằng các sản phẩm tái chế.

Tương tự, thư viện công viên “Hà Tĩnh quê mình” là điểm check in thú vị của Trường THCS Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh). Công trình hoàn thành đưa vào trải nghiệm từ tháng 3/2023 bằng nguồn xã hội hóa. Thư viện công viên nằm trong khuôn viên sân trường với diện tích gần 300m2. Tại đây có các địa danh, địa điểm di tích lịch sử, danh nhân quê hương Hà Tĩnh.

Là ngôi trường mang tên Đại thi hào dân tộc, chính vì vậy góc tư liệu về Nguyễn Du là điểm nhấn. Ngoài chân dung Đại thi hào còn nhiều sách, ảnh, tác phẩm văn học của ông.

Các di tích nổi tiếng như Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc), khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú (Đức Thọ), tượng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn)... cũng được tái hiện sinh động trong Thư viện sân trường.

“Sắp tới, nhà trường sẽ hướng dẫn, tập luyện để học sinh hiểu và thuyết trình đầy đủ về công viên. Khi có đoàn tham quan, học tập các em sẽ là những hướng dẫn viên giới thiệu về công trình”, thầy Lê Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết.

Học sinh Trường Tiểu học Nam Hà học tại Vườn lịch sử.
Học sinh Trường Tiểu học Nam Hà học tại Vườn lịch sử.

“Lớp học” thú vị

Trường Tiểu học Thạch Đài (huyện Thạch Hà) đưa mô hình “Giáo dục địa phương” vào sử dụng hơn 1 năm qua. Nhà trường tái hiện không gian các làng nghề, sản phẩm truyền thống quê hương Hà Tĩnh như chiếu cói, tơi (Can Lộc), nghề rèn Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh)… bằng nguyên liệu thân thiện như tre, nứa… Nhiều “sản phẩm OCOP” tiêu biểu, hình ảnh về địa danh, lễ hội, của địa phương cũng được khéo léo lồng ghép.

Mô hình “Giáo dục địa phương” trong khuôn viên Trường Tiểu học Thạch Đài đã trở thành điểm đến lý thú, bổ ích cho học sinh. Các em háo hức và hứng thú khi được học các tiết học ở không gian giáo dục đặc biệt.

“Em thích không gian trải nghiệm tại trường, Giờ ra chơi, em và các bạn thường đến đây khám phá kiến thức. Từ khi có khu trải nghiệm, em biết thêm nhiều điều thú vị, mới mẻ”, Dương Trúc Lâm - học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Thạch Đài chia sẻ.

Ngoài ra, tận dụng các vật liệu tái chế, nhà trường đã xây dựng mô hình Bản đồ Việt Nam. Điều đặc biệt, kích thước bản đồ, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc... được thiết kế đúng vị trí, hình dáng thực; qua đó giúp học sinh ý thức sâu sắc hơn chủ quyền biển đảo, lãnh thổ Việt Nam.

Bản đồ Việt Nam được xây dựng từ các vật liệu tái chế tại Trường Tiểu học Thạch Đài.
Bản đồ Việt Nam được xây dựng từ các vật liệu tái chế tại Trường Tiểu học Thạch Đài.

“Thay vì bó hẹp trong không gian lớp học, học sinh được thoải mái tìm hiểu kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý... ở sân trường thông qua thư viện công viên, các tấm pano, mô hình mô phỏng. Điều này giúp các em có cái nhìn tổng quan, dễ dàng ghi nhớ; khơi dậy tình yêu, niềm tự hào văn hóa truyền thống quê hương, dân tộc trong mỗi học sinh”, cô Trần Thị Dung Huế - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Đài thông tin.

Mô hình trải nghiệm của Trường Tiểu học Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà) gồm 4 chủ đề: “Quê hương em”, “Tự hào lịch sử”, “Biển đảo Việt Nam” và “Góc điều muốn nói” phục vụ giờ học Lịch sử - Địa lý, giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm. Tại mỗi hình ảnh minh họa, nhà trường dán mã QR giúp giáo viên, phụ huynh học sinh và khách đến tham quan cập nhật thông tin thuận tiện nhất.

“Sau thời gian đi vào hoạt động, học sinh tỏ ra hào hứng, thích thú với mô hình này. Không chỉ giúp các em học tập tích cực, mô hình còn thúc đẩy phong trào “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thông qua mô hình, thầy, cô nỗ lực đổi mới phương pháp dạy và học gắn với thực tế; học sinh nắm bắt được kiến thức chắc chắn và thêm yêu môn Lịch sử”, thầy Hồ Đăng Thiên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đỉnh Bàn thông tin.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho biết: “Từ sự sáng tạo, liên kết và tích hợp kiến thức giữa các môn, đến nay, hầu hết trường học trên địa bàn Thạch Hà có cách làm linh hoạt, phù hợp để xây dựng những mô hình giáo dục mở. Những giờ học kết nối trở nên cuốn hút, hấp dẫn, giúp học sinh mở rộng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-an-dac-biet-post680664.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-an-dac-biet-post680664.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Giáo án' đặc biệt