Giáo dục đạo đức lối sống: Từ ý thức trách nhiệm đến tình yêu dân tộc

Tú Anh | 31/03/2022, 06:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Công tác giáo dục đạo đức và ý thức trách nhiệm công dân cho học sinh được các trường lồng ghép trong môn GDCD nói riêng và chương trình giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó là giáo dục tình yêu quê hương, dân tộc.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến, tỉnh Hà Nam.Học sinh Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến, tỉnh Hà Nam.

Giáo dục ý thức trách nhiệm công dân

Cô giáo Lê Thị Thuý Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến, xã Duy Tiên, Hà Nam, cho biết: Những năm qua, việc tăng cường công tác giáo dục tư tưởng đạo đức và ý thức trách nhiệm công dân cho học sinh được xây dựng thông qua giờ dạy môn Giáo dục công dân (GDCD) và lồng ghép trong giờ học chính khoá của các môn học khác.

Hàng năm, nhà trường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về luật giáo dục 2005, luật giao thông, luật phòng chống ma tuý đan xen với học tập điều lệ trường trung học, nội quy, quy chế nhà trường. Phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông trật tự thị xã Duy Tiên tổ chức buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh. Tổ chức cho học sinh tham gia các công tác xã hội: Tham gia hoạt động của hội chữ thập đỏ, tham gia bảo hiểm, an toàn giao thông, giữ vệ sinh môi trường...

Cũng theo cô Nga, trong buổi chào cờ đầu tuần, nhà trường thường biểu dương những gương điển hình tốt; kịp thời uốn nắn những hành vi, hiện tượng vi phạm quy định của nhà trường. Buổi chào cờ đã trở thành cơ hội giúp học sinh được định hướng và tự định hướng hình thành lối sống chuẩn mực, phù hợp.

Ngoài ra, hưởng ứng phong trào thi đua “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” theo phát động của Bộ GD&ĐT, nhà trường tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường coi đây là khâu then chốt, tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Để các phong trào được thực hiện có hiệu quả, nhà trường gắn với tinh thần: Chất lượng cao về trí dục, chuẩn mực về nền nếp kỉ cương, thân thiện trong ứng xử, sáng tạo nhiệt tình trong công việc, nghiêm túc trong kiểm tra thi cử, hiện đại về cơ sở vật chất. Mỗi phong trào đều có hế hoạch thực hiện, triển khai cụ thể, sâu rộng, thiết thực; có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời.

Tiết học môn Địa lý của cô giáo Mai Ka.

Lồng ghép bài học văn hoá dân tộc

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài, tỉnh Điện Biên, văn hoá truyền thống các dân tộc được nhà trường tích cực lồng ghép vào chương trình giáo dục. 100% học sinh nhà trường là người Mông nên việc trải nghiệm, tìm hiểu về văn hoá, truyền thống của dân tộc là một trong những mục tiêu giáo dục quan trọng.

Thầy giáo Nguyễn Thế Điệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc tìm hiểu văn hoá truyền thống dân tộc được lồng ghép vào các môn học, hoạt động ngoại khoá. Đơn cử, trong công tác dạy học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) theo Đề án dạy tiếng dân tộc cho học sinh TH và THCS, thầy cô thường xuyên sử dụng giáo cụ trực quan như quần áo, vật dụng sinh hoạt phổ biến của người dân tộc Mông. Dạy học sinh biết đọc, biết viết, thầy cô sử dụng câu chuyện truyền miệng, bài thơ, bài hát tiếng dân tộc. Khi chữ viết tiếng Mông dần bị mai một, hoạt động giáo dục này giúp duy trì và bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người dân tộc.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường dạy tiếng Việt với mong muốn học sinh có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ này và thêm phần yêu tiếng Việt. Công tác giáo dục luật pháp, đạo đức lối sống cũng được nhà trường chú trọng vì học sinh dân tộc có điều kiện khó khăn. Việc tiếp cận kiến thức, thông tin còn phần hạn chế. Do đó, giáo viên không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, trau dồi vốn hiểu biết về đời sống, kiến thức pháp luật để truyền thụ cho học sinh.

Còn cô Ka Mai, giáo vụ Trường PT DTNT liên huyện Tân Phú - Định Quán, tỉnh Đồng Nai, cho biết: Không chỉ giáo viên, giáo vụ, nhân viên trong các trường nội trú cũng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục và hình thành nhân cách cho các em học sinh. Ở độ tuổi dậy thì, các em phải xa cha mẹ vào trường sinh hoạt, thầy cô là những người cha, người mẹ thứ 2, là tấm gương sáng để trò noi theo.

Không sử dụng đạo lý, giáo điều, cô Mai thường kể chính câu chuyện cuộc đời mình bằng lối nói chân thành, gần gũi. Cô không ngần ngại nhắc lại những sai lầm, thất bại trong quá khứ, lấy đó làm bài học khuyên dạy học sinh không nên "giẫm vào vết xe đổ".

Tại Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán, hàng tháng nhà trường tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống với nhiều chủ đề khác nhau. Thông qua những hoạt động trên, nhà trường muốn giáo dục học sinh vượt qua mặc cảm cá nhân, biết chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau khi khó khăn và hình thành lối sống tích cực.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục đạo đức lối sống: Từ ý thức trách nhiệm đến tình yêu dân tộc