Báo cáo tình hình địa phương, ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết: Đặc thù của Kiên Giang là có nhiều điểm lẻ, cơ bản đáp ứng nhu cầu huy động trẻ đến trường; giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học. Tỉnh quan tâm đầu tư GD&ĐT, nhận thức của xã hội, phụ huynh, học sinh có sự đồng thuận cao. Sau 5 năm, qua sắp xếp các cơ sở giáo dục trực thuộc UBND cấp huyện quản lý, tỉnh giảm được 40 trường do sáp nhập trường có qui mô nhỏ, giảm 521 điểm lẻ, giảm 525 nhóm/lớp; tăng 2 trường mầm non; tăng 3.828 học sinh các cấp học.
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh chủ động triển khai chương trình GD phổ thông mới nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do không nắm được đội ngũ giáo viên; không chủ động được xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư nặng tính xin cho; mua sắm đồ dùng, trang thiết bị còn cảm tính, không có kế hoạch trung hạn nên đầu tư manh mún, kém hiệu quả.
Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh triển khai 3 đề án lớn đến năm 2025: Đề án đào tạo, sắp xếp đội ngũ giáo viên; Đề án xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất; Đề án mua sắm trang thiết bị giáo dục. Ông Luân cho biết Nghị định 116 của Chính phủ hỗ trợ đào tạo giáo viên rất kịp thời, thu hút thí sinh giỏi vào ngành sư phạm.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ tin tưởng toàn vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn để đưa GD&ĐT phát triển. |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, nhìn lại quá trình phát triển GD&ĐT ĐBSCL, nhất là 10 năm qua, GD&ĐT khu vực có bước tiến, đạt được kết quả quan trọng, bứt phá. Minh chứng qua các số liệu, GD&ĐT vùng đã thoát ra khỏi vùng trũng; đề nghị từ hôm nay không gọi khu vực ĐBSCl là "vùng trũng" nữa.
Bộ trưởng bày tỏ niềm vui, gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo các địa phương trong khu vực, đặc biệt là đội ngũ thầy cô giáo, đã cố gắng vượt bậc, kiên cường trong suốt thời gian qua, để vùng đạt được những kết quả quan trọng trong GD&ĐT.
Tuy ĐBSCL còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thách thức nhưng chất lượng giáo dục phổ thông rất khả quan. Như kỳ thi tốt nghiệp THPT, chất lượng đứng trong nhóm 2 trong 6 vùng. Các chỉ số về cơ sở vật chất, trang thiết bị, huy động trẻ ra lớp, tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn nhiều khó khăn nhưng chỉ số chất lượng giáo dục phổ thông đứng thứ 2. Điều này thể hiện chất lượng của đội ngũ, cho thấy đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đã có sự nỗ lực phi thường.
GD&ĐT khu vực còn nhiều khó khăn, thách thức chồng chất, vì hiện nay ngành đang đổi mới căn bản toàn diện với mục tiêu phấn đấu rất cao, kỳ vọng rất lớn. Đối với khu vực điều kiện thuận lợi thì khó khăn ít đi, nhưng ĐBSCL đứng trước thách thức kép: vừa phấn đấu đổi mới để vươn cao cùng cả nước, vừa củng cố bù đắp cho yếu tố có tính chất tối thiểu, nền tảng, cơ bản. Năm học 2023-2024 là thời điểm nước rút triển khai chương trình GDPT 2018. Do đó, nhu cầu giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị cấp bách và thách thức đang chờ phía trước.
Tuy nhiên, ĐBSCL cũng có những điểm thuận lợi. Với chính sách và tình hình khả quan như hiện nay, thời gian tới vùng ĐBSCL sẽ tăng trưởng kinh tế năng động, có điều kiện cải thiện về hạ tầng, giao thông. Chính quyền các địa phương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, đội ngũ nhà giáo quyết tâm cao. Học trò nền nếp, con người ĐBSCL hào hiệp, hồn hậu, phóng khoáng là điều kiện thuận lợi trong giáo dục con người.
Bày tỏ niềm tin tưởng toàn vùng sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn để đưa GD&ĐT phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương ĐBSCL có giải pháp tổng thể, trong đó cấp bách là kiên cố hóa trường, lớp; đầu tư trang thiết bị phòng học bộ môn phục vụ chương trình mới; Có phương án phù hợp trong sắp xếp điểm trường; Có mẫu trường học phù hợp với địa hình, khí hậu của khu vực.
Mục tiêu nâng cao mặt bằng dân trí là yêu cầu thiết thân của ĐBSCL. Vì thế, về ngân sách, địa phương cần quan tâm hơn, nhất là thời điểm 2023 - 2024 khi Chương trình GDPT 2018 vào trọng tâm của đổi mới. Địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ GD&ĐT, các bộ ngành để kiến nghị, đề xuất chính sách đầu tư... - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.