Giáo dục lối sống tốt góp phần phòng chống bạo lực học đường

Đức Nam | 10/12/2022, 06:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống tốt cho học sinh phổ thông (HSPT) là góp phần tích cực phòng chống bạo lực học đường.

Giáo viên lắng nghe tâm tư học sinh

Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra hai vụ bạo lực học đường nổi cộm. Đó là, sau khai giảng năm học 2022-2023, một nữ sinh lớp 8, trường THCS Nam Tiến (TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) bị nhóm bạn đánh hội đồng ngay tại lớp học. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành động bạo hành bạn học được cho rằng chỉ vì nữ sinh này "nhìn đểu".

Vụ việc thứ hai, Ngày 1-11, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX ) huyện Phú Lương đã tổ chức họp Hội đồng xử lý kỷ luật học viên năm học 2022-2023. Theo đó, Trung tâm đã quyết định hình thức kỷ luật đối với 6 học viên vi phạm nội quy, gồm: 4 học viên chịu hình thức kỷ luật Cảnh cáo trước toàn trường; 1 học viên bị Khiển trách và 1 học viên bị Cảnh cáo, buộc thôi học 1 tuần. Nguyên nhân xảy ra vụ việc là do tranh cãi ban đầu giữa 2 em MKL và ĐHĐ dẫn đến đánh nhau. Sau đó có thêm các học viên khác tham gia đánh hội đồng.

Đằng sau những vụ việc bạo lực học đường đáng tiếc xảy ra là nỗi buồn của gia đình, nhà trường và xã hội. Nguyên nhân sâu xa hơn nữa chính là sự nhận thức của bản thân mỗi học sinh cá biệt còn nhiều hạn chế. Gia đình có sự buông lỏng quản lý con cái. Việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa chưa đến nơi đến chốn.

Giáo dục lối sống tốt góp phần phòng chống bạo lực học đường ảnh 1

Cô giáo Lại Thị Hằng, giáo viên bộ môn Họa - Giáo dục công dân, trường THCS Kha Sơn trong giờ học ân cần truyền tải kiến thức về giá trị đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử trong giao tiếp cho các em học sinh.

Từ thực tế đó, công tác giáo dục đạo đức lối sống đang được các trường học tại Thái Nguyên chú trọng. Đơn cử, tại trường THCS Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh được nhà trường thực hiện và duy trì thường xuyên hiệu quả. Không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, nhà trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, mô hình, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để thu hút học sinh tham gia, rèn luyện.

Cô giáo Lại Thị Hằng, giáo viên bộ môn Họa - Giáo dục công dân, trường THCS Kha Sơn đã có thâm niên 20 năm giảng dạy về mỹ thuật và đạo đức chia sẻ kinh nghiệm: Giảng dạy bộ môn phải gần gũi học sinh. Giáo viên lắng nghe tâm tư cũng như tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và những khó khăn của học sinh. Qua đó, chủ động tìm cách thức tháo gỡ, động viên học sinh vượt qua cản trở về tâm lí, vượt lên chính mình học tập tốt hơn.

Bộ môn Giáo dục công dân là môn học thường thức quan trọng, mang lại giá trị đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử trong giao tiếp giữa người với người hàng ngày. Kiến thức từ môn học này được áp dụng rộng rãi trong thực tế cuộc sống. Khi giảng dạy, cô giáo đã tập trung, sáng tạo trong từng bài giảng để giúp các em liên hệ kiến thức trong các mối quan hệ ứng xử xã hội từ trong gia đình đến cộng đồng.

Trong mỗi bài học, cô giáo thường phân tích rõ các mặt phải, trái, về suy thoái đạo đức xã hội, tệ nạn xã hội hiện nay. Minh chứng cụ thể bằng các ví dụ thực tế trong gia đình, làng xóm, trường học và xã hội. Những bài học bổ ích về lòng yêu nước, yêu lao động, tiết kiệm, giữ chữ tín, ý thức tự giác chấp hành luật giao thông đường bộ, phòng chống tệ nạn xã hội…được liên hệ thực tiễn ngay chính trong gia đình của các em...

Giáo dục lối sống tốt góp phần phòng chống bạo lực học đường ảnh 2

Cô giáo và học sinh trường Tiểu học Kha Sơn, huyện Phú Bình chăm sóc cây xanh làm đẹp cảnh quan trường học.

Bà Nguyễn Thị Hường, xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình chia sẻ: Tôi có nhiều con, cháu đến trường học được các thầy, cô giáo dạy nhiều điều hay. Thấy các cháu về nhà biết thương yêu, kính trọng ông bà già thể hiện bằng cử chỉ, việc làm tự giác chia sẻ công việc nhà, việc đồng áng với gia đình. Tôi rất hài lòng về cách dạy dỗ của nhà trường.

Trường THCS Kha Sơn có hơn 400 học sinh. Các em đều được tham gia nhiều hoạt động bổ ích với hình thức tuyên truyền về các chủ đề phòng, chống bạo lực học đường, nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử; tuyên truyền về an toàn giao thông; tuyên truyền ngày pháp luật; cách sử dụng mạng xã hội an toàn... được duy trì đều đặn hằng tuần.

Cùng với đó, các buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về việc hình thành, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh được tổ chức thường xuyên tại mỗi lớp học và trường học. Từ đó, tạo môi trường, phương pháp giáo dục học sinh đa dạng, phong phú, giúp các em có trải nghiệm thực tế, nâng cao nhận thức, hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp.

Bà Nguyễn Thị Kim Nga, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình đã cho biết: Phòng quán triệt, chỉ đạo các nhà trường thuộc 3 cấp học thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành và địa phương về giáo dục toàn diện giúp phát triển trí tuệ, đạo đức, nhân cách tốt cho học sinh phổ thông.

Chủ động, sáng tạo trong các bài giảng, các hoạt động chuyên môn, khéo léo lồng ghép kiến thức bài học với thực tiễn cuộc sống để cuốn hút các em học sinh. Tích cực đẩy mạnh mọi hoạt động tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường trong và ngoài trường học.

Gắn kết chặt chẽ gia đình với nhà trường để thường xuyên trao đổi thông tin qua lại giữa giáo viên và phụ huynh học sinh nhằm phối hợp cùng chung tay giáo dục con em ngày càng phát triển tốt hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, 3 cấp học trên địa bàn huyện chưa xảy ra các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường...

Chủ động xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Giáo dục lối sống tốt góp phần phòng chống bạo lực học đường ảnh 3

Cô giáo Vũ Thị Lâm, trường Tiểu học Kha Sơn, huyện Phú Bình ân cần quan tâm đến sức khỏe của học sinh trên lớp học.

Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, chỉ đạo thực hiện cam kết giữa gia đình, nhà trường với chính quyền địa phương trong việc phối hợp, hỗ trợ giáo dục con em tại tất cả các cấp học, nhà trường, cơ sở giáo dục.

Ông Đào Quang Thành, Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng và Pháp chế, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã và đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ ban hành quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; triển khai thực hiện Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 14/4/2021 về tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử cho học sinh phổ thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025...

Giáo dục lối sống tốt góp phần phòng chống bạo lực học đường ảnh 4

Các em học sinh, trường Tiểu học Kha Sơn, huyện Phú Bình hát vang các bài hát đồng dao khi chơi các trò chơi dân gian.

Sở thực hiện tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các đơn vị, đoàn thể xã hội... trong việc đa dạng hóa chương trình giáo dục phù hợp, hiệu quả cho học sinh. Ngành giáo dục chủ động bổ sung các tiêu chí đánh giá chất lượng dạy và học với cả giáo viên và học sinh thông qua chính kết quả trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống góp phần phòng, chống bạo lực học đường. Hiện tại, Sở giáo dục cũng đang kiện toàn đội ngũ, xây dựng các phòng chính trị - tư tưởng từ Sở đến cơ sở để tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, chấn chỉnh học sinh trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống.

Giáo dục lối sống tốt góp phần phòng chống bạo lực học đường ảnh 5

Phụ huynh học sinh trường Tiểu học Kha Sơn xếp xe máy ngay ngắn trước giờ tan trường đợi đón con cháu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục lối sống tốt góp phần phòng chống bạo lực học đường