Giáo dục thường xuyên nỗ lực tối đa thực hiện Chương trình mới

Lan Anh | 09/03/2023, 19:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các Trung tâm giáo dục thường xuyên đang vượt khó, nỗ lực tối đa để thực hiện thành công chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Kiến nghị từ cơ sở

Ngày 9/3, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 -2022 do ông Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì, Hà Nội.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Hoàng Trọng Tài- Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì cho biết: Năm học này, Trung tâm có 21 lớp với 924 học viên. Trung tâm đảm nhiệm 3 chức năng: Thực hiện chương trình GDTX, tổ chức hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông cho học sinh lớp 8 và học sinh lớp 11 trên địa bàn huyện Ba Vì, tổ chức bồi dưỡng và dạy nghề ngắn hạn.

Trong quá trình thực hiện chương trình GDTX cấp THPT đối với lớp 10 trong học kỳ 1, Trung tâm đã chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của tổ chuyên môn, của giáo viên. Các thầy cô dạy khối 10 cơ bản đã biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học viên.

Nhận định về chương trình GDPT mới, ông Tài chia sẻ: Chương trình đã tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc tổ chức dạy học, không tăng về lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt. Trung tâm đã chủ động nghiên cứu chương trình SGK, đặc điểm của học viên để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với khả năng tiếp thu của học viên, phù hợp với điều kiện của địa phương và của Trung tâm.

Học viên được trang bị đủ sách giáo khoa. Nội dung kiến thức được giáo viên tổ chức cho học viên nghiên cứu, lĩnh hội phù hợp, đảm bảo chuẩn kiến thức theo chương trình quy định. Ngoài ra, học viên được tham ra nhiều hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục, có cơ hội để thể hiện năng lực của bản thân theo các môn học, chủ đề được lựa chọn, tạo cho học viên hứng thú và động lực hơn trong học tập.

Tuy nhiên, Trung tâm cũng nhận ra một số tồn tại, hạn chế như: Cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy tại Trung tâm chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDPT 2018.

Một số giáo viên tham gia giảng dạy khối 10 vẫn còn sức ỳ trong chuyển đổi từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển năng lực. Việc tiếp thu kiến thức học viên gặp nhiều khó khăn khi chuyển từ chương trình cũ sang chương trình mới.

Do vậy, Trung tâm đề xuất với Quốc hội xem xét ban hành chính sách về chế độ đặc thù lương, phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức làm việc trong ngành. Đề xuất Bộ GD&ĐT đề xuất với Bộ Nội vụ xem xét ban hành cơ cấu định mức giáo viên theo bộ môn của GDTX để các Trung tâm ổn định về đội ngũ cho việc tổ chức giảng dạy chương trình GDPT 2018.

Cùng với đó, cần ban hành khung chương trình riêng cho cấp học GDTX, vì thời lượng số tiết học của chương trình GDTX theo chương trình GDPT 2018 tăng hơn nhiều so với chương trình 2006 và đối tượng học viên GDTX nằm trong đề án phân luồng học sinh sau THCS, vừa học văn hóa, vừa kết hợp học trung cấp nghề.

Giáo dục thường xuyên nỗ lực tối đa thực hiện Chương trình mới  ảnh 1

Học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì, Hà Nội.

Gỡ khó cho giáo dục thường xuyên

Nêu ý kiến với đoàn công tác, cô Nguyễn Thị Lý - giáo viên phụ trách mảng GDTX cho biết: Chương trình GDTX cấp THPT đã tạo cơ hội học tập cho người học có nhu cầu để đạt trình độ giáo dục THPT theo hình thức GDTX, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực của địa phương và nhu cầu học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Chuẩn bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, giáo viên đã được tham dự các lớp tập huấn, có các chương trình sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm theo cụm và theo đơn vị. Trong việc lựa chọn sách giáo khoa, Ban giám đốc đã giao giáo viên nghiên cứu cả 3 bộ sách và cho ý kiến bộ nào hợp lý, phù hợp với tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đội ngũ học sinh của Trung tâm.

Còn cô Lê Thị Huệ, giáo viên bộ môn Ngữ văn bày tỏ: Chương trình GDPT mới đã giúp cho học viên tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết, tăng khả năng tự học và ý thức tự học suốt đời, hoàn thiện học vấn THPT và định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, đáp ứng yêu cầu có thể tham gia vào thị trường lao động và tiếp tục học lên trình độ cao hơn.

Dù là giáo viên hợp đồng, thu nhập còn bấp bênh nhưng cô Huệ luôn nỗ lực trong công việc, vượt qua nhiều khó khăn để giảng dạy chương trình GDPT mới. Cô Huệ bày tỏ mong muốn được tăng lương để gắn bó lâu dài với công việc, mong muốn có cơ chế thi, xét tuyển viên chức tại Trung tâm.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT ghi nhận những kết quả đã đạt được của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT và sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Bà Tú Anh cho biết, Hà Nội có nhiều thuận lợi về giáo dục, là nơi duy nhất trong cả nước có kinh phí cấp cho học viên GDTX. Tuy nhiên, GDTX Hà Nội cũng gặp một số khó khăn hơn so với các địa phương khác. Do thành phố có nhiều trường dân lập, tư thục nên đầu vào GDTX là đầu vào cuối cùng, học sinh thường nghèo nhất, thiếu điều kiện nhất. Bởi vậy đảm bảo chất lượng giáo dục ở các cơ sở GDTX là điều rất khó khăn.

Kết luận buổi làm việc, ông Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì trong việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Chia sẻ những áp lực, khó khăn của Trung tâm về cơ sở vật chất, giáo viên, kinh phí, ông Nghĩa cho rằng, cần đồng bộ chính sách để thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa trong những năm tới, để GDTX có vị trí xứng đáng, đáp ứng yêu cầu của xã hội học tập, học tập suốt đời.

Ngày 9/3, các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 -2022 đã làm việc với một số đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội.

Các đoàn giám sát đã đến thăm, khảo sát, thực hiện giám sát chuyên đề tại các Trường Tiểu học Phù Linh (huyện Sóc Sơn), THCS Minh Tân B (huyện Sóc Sơn), Tiểu học Minh Quang A (huyện Ba Vì), Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì và làm việc với lãnh đạo các huyện Sóc Sơn, Ba Vì.

Bài liên quan
Giáo dục thường xuyên chuyển mình
Những năm gần đây, giáo dục thường xuyên ghi nhận sự chuyển mình khá rõ nét.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục thường xuyên nỗ lực tối đa thực hiện Chương trình mới