Giáo dục

Giáo dục trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

12/05/2025 22:26

Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, cần phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đây là lĩnh vực được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Ngày 12/5, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học "Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ".

Dự hội thảo có ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Diễn đàn thu hút đông đảo các nhà khoa học

Phát biểu đề dẫn, GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, Hội thảo nhằm khẳng định và làm sâu sắc hơn giá trị tư tưởng, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục Việt Nam.

Đây là dịp để ôn lại, nghiên cứu và trao đổi về những nội dung cốt lõi trong bức thư Bác Hồ gửi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo cách đây 80 năm, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thông qua Hội thảo, các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo;

Từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác dạy và học, góp phần đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 12/8/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

img-9694.jpg
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương bày tỏ, chúng ta đang trong những ngày kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước, cùng nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống của Bộ GD&ĐT.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhìn nhận, hội thảo “Bác Hồ với Giáo dục, Giáo dục với Bác Hồ” là diễn đàn khoa học, thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, với hơn 120 bài tham luận có chất lượng được tập hợp trong kỷ yếu.

Đứng trước ngưỡng cửa của sự vươn mình để xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu; ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định, đây là một trong những tầm nhìn quan trọng của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn hóa và con người. Trong con người, vấn đề quyết định là công tác giáo dục, đào tạo, để có đội chất lượng cao phục vụ đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.

img-9869.jpg
Đoàn chủ trì hội thảo.

Tạo nên cuộc cách mạng về phát triển giáo dục và đào tạo

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, giáo dục và đào tạo đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Qua đó, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, để đất nước có được cơ đồ, uy tín và vị thế trên quốc tế như ngày nay.

Với ý nghĩa quan trọng của hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị, tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm:

Thứ nhất, phân tích, luận giải và làm sâu sắc hơn ý nghĩa, giá trị trường tồn của tư tưởng, phương pháp, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, phát triển toàn diện con người, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, đúc rút những bài học quý từ tư tưởng, phương pháp, phong cách của Bác về giáo dục và đào tạo để lan tỏa, vận dụng vào công tác quản lý, dạy và học. Qua đó, nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam về đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thẩm mỹ, thể lực, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp.

Đồng thời, phát huy tinh thần tự học, học tập suốt đời để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, nhất là thế hệ trẻ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung.

Thứ ba, hiến kế, đề xuất các giải pháp nhằm khơi thông những điểm nghẽn, giải quyết những vấn đề then chốt nhất trong giáo dục và đào tạo, để tư vấn, tham mưu Bộ Chính trị ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết về đột phá phát triển giáo dục và đào tạo, tạo nên cuộc cách mạng về phát triển giáo dục và đào tạo, đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.

img-9827.jpg
GS.TS Phùng Hữu Phú – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tham luận tại hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên qua và vượt lên những chỉ dẫn cụ thể, thiết thực. Xuất phát từ yêu cầu của đời sống đất nước, tư tưởng của Người là tầm nhìn xa, trông rộng, đi trước thời đại, dự cảm và định hướng tương lai.

Kỷ nguyên mới đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao với sự nghiệp giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 và kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị. Để hiện thực hóa nghị quyết của Đảng, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, hơn bao giờ hết, cần quán triệt sâu sắc, tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nền giáo dục Việt Nam kiến tạo, nhân văn, tiến cùng thời đại.

Trước hết, cần hướng giáo dục, đào tạo phục vụ trực tiếp, hiệu quả yêu cầu phát triển tăng tốc, bứt phá của đất nước trong kỷ nguyên mới. Ngoài ra, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có phẩm chất, năng lực, thật sự là chủ thể kiến tạo kỷ nguyên mới.

Cùng với đó, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa, quốc tế hóa giáo dục, đào tạo; đưa giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, có những đóng góp nổi bật vào hệ giá trị giáo dục toàn cầu.

img-9652.jpg
GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Đẩy sự nghiệp giáo dục lên bước phát triển mới

Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong kỷ nguyên mới, GS.TS Phùng Hữu Phú lưu ý, cần khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư cuối cùng Người gửi ngành Giáo dục nhân dịp đầu năm học (năm 1968) - trước lúc Người đi xa: Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và Nhân dân;

Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, cần phát huy đầy đủ, dân chủ xã hội chủ nghĩa; các ngành, các cấp Đảng, chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới.

img-0070.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu bế mạc Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ngành giáo dục, đào tạo vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, dù không có một lời nào nói rằng, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhưng thực sự người đã có những tư tưởng, những chính sách và những chỉ đạo còn hơn thế với giáo dục, đào tạo.

Bộ trưởng ghi nhận, Hội thảo đã nghe các tham luận chất lượng, tâm huyết, đại diện cho tình cảm và trí tuệ của các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các em học sinh, sinh viên.

Các bài viết, những ý kiến trình bày tại Hội thảo là những bài viết chất lượng, tập trung làm rõ mục đích, nội dung, phương châm, giá trị tư tưởng, triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh;

Đồng thời khẳng định ý nghĩa lịch sử và giá trị thực tiễn trong bức thư đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho học sinh và ngành Giáo dục (9/1945-9/2025); Khẳng định quan điểm, tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần tự học và học tập suốt đời gắn với việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết về Học tập suốt đời;

Các bài viết, ý kiến tham luận đều nhằm thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo: Thành tựu, bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra đối với ngành Giáo dục qua 80 năm hình thành và phát triển gắn với quá trình đổi mới của đất nước;

Cùng với đó là đề xuất giải pháp đột phá trong vận dụng, phát triển sáng tạo nội dung, giá trị tư tưởng, triết lý của Người về giáo dục đào tạo gắn với việc tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam.

Qua Hội thảo này, Bộ trưởng nhìn nhận, những vấn đề đặt ra đối với ngành Giáo dục trong thời gian tới cũng được nhận thức sâu sắc hơn, trong đó cần tiếp tục nhận thức và triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ thêm di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục.

Thứ hai, làm theo, thực hiện và phát huy tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời, thúc đẩy tinh thần tự học.

Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng thế hệ công dân mới phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ.

Thứ tư, tiếp tục chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xem đây là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới. Xây dựng đội ngũ nhà giáo cần mẫu mực, theo tinh thần “mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, với tinh thần và phẩm chất dấn thân và hy sinh, dù khó khăn tới đâu cũng phải ra sức thi đua dạy tốt, học tốt.

img-9637.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

“Những vấn đề cốt lõi của tư duy giáo dục hiện đại đang được bàn thảo hôm nay, về bản chất được thể hiện trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục cách đây hơn nửa thế kỷ, với cách biểu đạt giản dị, rất Việt Nam và vô cùng sâu sắc” - GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-trong-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-post730777.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-trong-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-post730777.html
Bài liên quan
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Moskva
Chiều 10/5 (giờ địa phương), Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hoa tại bia kỷ niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Moskva.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh