Giáo dục về môi trường cần được tiếp cận bài bản, khoa học

Hoàng Giang | 21/10/2022, 15:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục về môi trường cần có cách tiếp cận bài bản hơn, khoa học hơn, từng bước đưa các môn học về môi trường biển, đảo và đại dương vào các trường học ở mọi cấp cũng như cung cấp cho người dân các kỹ năng để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giáo dục về môi trường cần được tiếp cận bài bản, khoa học - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đề xuất nhiều ý kiến để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 21/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo "Nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường cho các hội thành viên thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam".

Theo ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Ban Truyền thông và phổ biến kiến thức (VUSTA), vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự, chiến lược, kế hoạch phát triển của các quốc gia. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Luật Bảo vệ môi trường số 17/2020/QH14 được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực từ 1/1/2022 quy định về truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường.

Các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và truyền thông, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên. Hiện có hàng chục hội và tổ chức khoa học công nghệ đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến môi trường.

PGS.TS. Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho rằng, giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi lẽ cộng đồng là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi môi trường sống của chính họ, họ vừa là nguyên nhân vừa là những người gánh chịu hậu quả những vấn đề môi trường.

Theo PGS.TS. Lê Vân Trình, qua kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, giáo dục môi trường thường được thực hiện theo 3 cách tiếp cận. Đầu tiên, đó là xem môi trường là một đối tượng khoa học, người dạy truyền đạt cho người học các kiến thức của bộ môn khoa học về môi trường, cũng như phương pháp nghiên cứu về đối tượng đó.

Thứ hai, xem môi trường thiên nhiên hoặc nhân tạo như một địa bàn, một phương tiện để giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Với cách tiếp cận này, môi trường sẽ trở thành "phòng thí nghiệm thực tế" đa dạng, sinh động cho người dạy và người học. Xét về hiệu quả học tập kiến thức, kỹ năng, nghiên cứu có thể hiệu quả rất cao.

Thứ ba là truyền đạt kiến thức về bản chất, đặc trưng của môi trường nhằm hình thành thái độ, ứng xử, ý thức trách nhiệm, quan niệm giá trị nhân cách, đạo đức đúng đắn về môi trường, cung cấp tri thức kỹ năng, phương pháp cần thiết cho những quyết định, hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Khi được nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Công tác này thường được thực hiện thông qua các hoạt động xã hội, các tổ chức quần chúng, các đoàn thể chính trị - xã hội để từng bước tiến tới xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, điều này có nghĩa là huy động các nhân tố thị trường và cộng đồng dân cư vào các mặt hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho hay, qua nghiên cứu ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và miền Bắc về vai trò của đoàn thể nhân dân trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (năm 2016 và 2017); nghiên cứu ở các tỉnh Hải Dương, Nam Định, An Giang, Bến Tre và Cà Mau về vai trò của các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (năm 2018 và 2019) cho thấy, nhiều cán bộ của các đoàn thể nhân dân chưa được tiếp cận kịp thời những thông tin, quan điểm của Đảng và quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó bởi biến đổi khí hậu; thiếu kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng vận động quần chúng; công tác phản biện xã hội, kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế.

Do đó, TS. Trần Văn Miều đề xuất cần nghiên cứu xây dựng chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường ven biển và đại dương, TS. Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng, công tác truyên truyền, thông tin và giáo dục cho người dân, cho cộng đồng dân cư, cho các tổ chức, nhất là nhân dân ở vùng ven biển (28 tỉnh, thành phố có biển) còn chung chung, thiếu đồng bộ, thiếu bền vững.

TS. Nguyễn Hữu Giới đề xuất cần tiến hành các chương trình giáo dục cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và từng bước đưa các môn học về môi trường biển, đảo và đại dương vào các trường học ở mọi cấp.

Bên cạnh đó, để hoạt động thông tin-tuyên truyền về bảo vệ môi trường ven biển và đại dương có hiệu quả, Nhà nước cần ban hành các chế tài xử phạt thật nghiêm khắc các hành vi gây ô nhiễm môi trường ven biển và đại dương; quan tâm và đầu tư hơn nữa cho các nghiên cứu khoa học công nghệ về biển.

Trong giai đoạn tới, cần tuyên truyền cho ngư dân ven biển tăng cường năng lực ứng phó nhanh, hiệu quả với các sự cố môi trường ở các vùng ven biển và trên biển; xã hội hoá, kêu gọi đầu tư từ khối doanh nghiệp trong hoạt động giám sát và ứng phó sự cố môi trường biển…


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục về môi trường cần được tiếp cận bài bản, khoa học