Nâng chất lượng giáo dục đại học
Bên cạnh GD phổ thông, chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng cao, đội ngũ giảng viên đáp ứng tốt với yêu cầu nâng cao chất lượng GD ĐH. Các trường đã tập trung đổi mới chương trình, đẩy mạnh công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên.
Công tác nghiên cứu khoa học được các trường ĐH quan tâm và mang tính ứng dụng cao. Số sinh viên tỉnh Vĩnh Long theo học các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn đạt trung bình 233 sinh viên/10.000 dân. Giai đoạn 2013-2023, tuyển sinh 97.707 sinh viên ĐH, 3.785 học viên cao học và 9 nghiên cứu sinh.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long ngày càng phát triển về quy mô, chất lượng, đáp ứng nhu cầu người học. PGS.TS Cao Hùng Phi cho biết: “Giảng viên còn có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kích thích khả năng sáng tạo của sinh viên, giúp sinh viên hình thành những kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.
Trong giai đoạn 2018-2022, số cán bộ giáo viên của trường này tăng lên 2,5 lần. Công tác tổ chức cán bộ và phát triển đội ngũ thu được nhiều kết quả tích cực. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long có 5 phó giáo sư, 35 tiến sĩ và 30 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh. Hàng năm có trên 150 lượt cán bộ, giảng viên đi bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
PGS.TS Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho biết, đổi mới GD - ĐT được nhà trường thực hiện bằng nhiều phương pháp. Đổi mới kiểm tra và đánh giá kết quả GD&ĐT, bảo đảm trung thực, khách quan.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Cửu Long đã hoàn thành công tác kiểm định chất lượng GD chu kỳ 2 đúng thời gian quy định, được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT. Hiện tại, Trường ĐH Cửu Long có 13 chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng GD”.
Để phát triển GD&ĐT, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long lưu ý: “Các cấp, ngành tập trung nguồn lực để phát triển GD phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển GD đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách, đảm bảo chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả người dân”.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành giáo dục Vĩnh Long vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Trình độ quản lý GD chưa theo kịp thực tiễn và nhu cầu phát triển. Cơ sở vật chất thực hiện đổi mới chương trình GD phổ thông còn thiếu, chưa đáp ứng đủ các điều kiện để triển khai chương trình. Chất lượng GD vùng dân tộc, vùng khó khăn chưa đạt yêu cầu. Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề còn thấp chiếm 6,22%.
Chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD còn hạn chế. Đời sống của một số giáo viên, viên chức ngành GD còn gặp khó khăn.