Trồng người

Giáo sư tiết lộ giai đoạn cực quan trọng, quyết định cuộc đời đứa trẻ

Hiểu Đan, 26/05/2024 15:39

Ba giai đoạn quan trọng này nếu bị bỏ qua sẽ khó bù đắp được.

Giáo sư Lý Mai Cẩn (Trung Quốc) cho rằng: "Trẻ em 3 tuổi lập đức hạnh, 6 tuổi lập quy tắc, 12 tuổi lập giá trị". Đây là phương pháp giáo dục tốt nhất mà cha mẹ có thể mang lại cho con cái. Ba giai đoạn quan trọng này nếu bị bỏ qua sẽ khó bù đắp được.

🔻Trước 3 tuổi, sự đồng hành giữa cha mẹ và con cái là nền tảng của giáo dục

Người dẫn chương trình nổi tiếng Dương Lan (Trung Quốc) từng chia sẻ chuyện cô từng có thời gian liên tiếp đi công tác cả tuần không về. Nhưng khi gặp mẹ, đứa trẻ lại không lập tức tiến tới ôm mà quay lưng, giữ im lặng. Phải rất lâu sau con mới bật khóc. Lúc này, người mẹ mới phát hiện ra sự ra đi của mình có thể đã gây ra tổn thương tâm lý cho con!

Vì vậy, Dương Lan quyết định gác lại công việc, hết lòng đồng hành cùng con, đồng thời khôi phục lại cảm giác an toàn quan trọng nhất trong lòng con. Trải qua chuyện này, Dương Lan than thở: "Nếu chúng ta không nắm bắt cơ hội để cho con cái có được bầu bạn tốt thì sẽ có nhiều khuyết điểm cả đời khó có thể bù đắp!".

Trước 3 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất để xây dựng cảm giác an toàn và hạnh phúc. Giáo sư Lý cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng "việc trẻ em có thể thiết lập mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với cha mẹ trước 3 tuổi hay không sẽ ảnh hưởng đến cách chúng hòa hợp với cha mẹ trong phần lớn cuộc đời".

Trẻ thiếu bạn đồng hành sẽ trở nên thờ ơ, thu mình, không cảm nhận được tình yêu và đương nhiên không biết cách yêu thương người khác. Những đứa trẻ lớn lên cùng cha mẹ, được hỗ trợ bởi tình yêu thương, có vẻ vui vẻ và tự tin, sẵn sàng khám phá thế giới và giao tiếp tốt hơn với người khác.

Trước khi con 3 tuổi, cha mẹ cũng nên nêu gương, chuẩn hóa lời nói và hành động để con học cách cư xử cơ bản: Chẳng hạn như tôn trọng người già và trẻ em, đối xử tốt với mọi người; lịch sự và văn minh... Dù khó khăn đến đâu chúng ta cũng phải cố gắng hết sức để giữ con ở bên mình nhiều nhất có thể.

🔻Trước 6 tuổi, sự phát triển nhân cách quyết định sự thành bại trong tương lai

Độ tuổi 3-6 là giai đoạn quan trọng trong việc phát triển thói quen ứng xử và là thời kỳ vàng để giáo dục trí tuệ cảm xúc của trẻ. Nó còn được gọi là "giai đoạn xi măng ẩm". Khoảng 85%-90% tính cách, suy nghĩ, hành vi,… của trẻ được hình thành ở giai đoạn này.

Đứa trẻ 6 tuổi sẽ bắt đầu tuân thủ các quy tắc. Những lời cha mẹ dạy đều là "khuôn vàng thước ngọc" đối với trẻ trước 6 tuổi. Vì vậy, đây là thời điểm tốt nhất để uốn nắn, thiết lập kỷ luật. Còn thời gian sau, trẻ có xu hướng nổi loạn, không chịu nghe lời, càng lớn càng khó đặt ra nguyên tắc.

Nếu trẻ học được 6 quy tắc này sẽ là sự trợ giúp lớn nhất cho cuộc sống sau này:

⭐Quy tắc làm việc và nghỉ ngơi: Hình thành thói quen ngủ đều đặn để đảm bảo đủ giấc và khôi phục năng lượng;

⭐Quy tắc ăn uống: Xây dựng thói quen ăn uống tốt để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và sức khỏe tốt;

⭐Quy tắc vệ sinh: Hình thành thói quen vệ sinh tốt và giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường;

⭐Nội quy học tập: Hình thành thái độ và phương pháp học tập đúng đắn, thói quen học tập tốt;

⭐ Nghi thức: Hiểu lễ nghi và phép lịch sự cơ bản, tôn trọng ngườikhác;

⭐Quy tắc an toàn: Nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản về an toàn để đảm bảo an toàn cho bản thân ở mức cao nhất.

🔻Trước 12 tuổi, khuôn mẫu của cha mẹ quyết định giá trị của con

Đến năm 12 tuổi, là thời kỳ quan trọng nhất mà trẻ xây dựng hệ thống giá trị, thiết lập tam quan, cha mẹ cần tận dụng thời kỳ hoàng kim này để trẻ xác định rõ hướng đi tương lai của mình, học cách tuân thủ các nguyên tắc.

Sau khi trẻ được 6 tuổi, chúng bắt đầu suy nghĩ: Tại sao mình phải làm điều này? Mình làm điều này để làm gì... Những câu hỏi bất tận có nghĩa là đứa trẻ đã đạt đến giai đoạn quan trọng trong việc thiết lập giá trị. Chúng ta cần giúp trẻ giải thích điều gì là đúng và tại sao. Chỉ bằng cách cho phép đứa trẻ có cảm giác đúng sai trong đầu, nó mới có thể hình thành một bộ tiêu chuẩn hành vi và đo lường hành vi của chính mình.

Cha mẹ không nên chỉ tập trung vào thành tích của con mà bỏ qua những điểm sáng khác. Đừng vô tình truyền sự căng thẳng và lo lắng của bạn lên con cái, vì điều này với trẻ sẽ là gánh nặng lớn.

Gia đình gốc là điểm khởi đầu trong cuộc đời của một đứa trẻ, và cha mẹ là người dẫn dắt cuộc sống con cái. Bạn dành cho con mình bao nhiêu không gian và thời gian sẽ quyết định chúng sẽ có bao nhiêu tiềm năng cho sự phát triển trong tương lai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo sư tiết lộ giai đoạn cực quan trọng, quyết định cuộc đời đứa trẻ