Giáo viên đổi mới, nhà trường chung tay đưa Lịch sử đến gần học sinh

Phạm Khánh | 12/06/2022, 06:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ dạy học qua thơ tới dự án đóng kịch, hoá thân thành nhân vật lịch sử, các thầy cô giáo và cơ sở giáo dục đã đưa Lịch sử trở nên hấp dẫn, thu hút hơn với học sinh và xua đi tâm lý "ngại học" của các em.

Cô Ngọc Hà nhận định: "Các phương pháp dạy học môn Lịch sử cũng cần trao quyền chủ động cho học sinh để loại bỏ việc học thuộc lòng, học thụ động. Để làm được điều này, dạy học qua sơ đồ tư duy là một thế mạnh. Học sinh có thể ghi nhớ ngắn gọn các sự kiện lịch sử song cũng cần tự tìm hiểu mở rộng để nắm bắt kiến thức".

Tính chủ động trong nhận thức của học sinh cũng là mục tiêu khi cô Hà xây dựng đề thi. Cô Hà cho biết thường xây dựng các bài kiểm tra tự luận, có câu hỏi yêu cầu thí sinh thể hiện quan điểm kèm luận giải. Từ đó, khuyến khích học sinh xây dựng tính phản biện trước một ý kiến, học hiểu vấn đề thay vì thuộc lòng.

Đơn cử, đề thi tự luận có câu hỏi: “Theo em, có đúng không khi khẳng định rằng triều đình nhà Nguyễn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc để nước ta rơi vào tay thực dân Pháp?”. Học sinh trả lời đồng tình hoặc không đồng tình phải luận giải lý do cho sự lựa chọn của mình. Câu hỏi cũng có thể phân hóa học sinh.

Ngoài sự nỗ lực không ngừng của thầy cô giáo, thời gian qua, các nhà trường cũng tích cực tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút học sinh với môn Lịch sử.

Nằm trên "địa chỉ đỏ" của huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, nuôi dưỡng tình yêu lịch sử cho học sinh là một trong những mục tiêu quan trọng của Trường THCS Hưng Đạo.

Cô giáo Vũ Thị Hồng Hiếu, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Chúng tôi thường xuyên sáng tạo, tổ chức các hoạt động cho học sinh như tham quan các địa chỉ đỏ là di tích lịch sử trong và ngoài xã; tham gia làm vệ sinh môi trường tại các địa chỉ đỏ; thăm nhà và giúp việc nhà cho các cựu thanh niên xung phong... Các hoạt động không chỉ nằm trong giờ học Lịch sử mà được tổ chức trong các giờ sinh hoạt tập thể, sinh hoạt dưới cờ".

Học sinh Trường THCS Hưng Đạo dọn vệ sinh tại khu di tích địa phương. Ảnh: NTCC.

Còn tại Trường THCS và THPT Lômônôxốp, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, học sinh đã tham gia tái hiện một phần chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây gần 70 năm trong lễ bế giảng năm học 2021-2022.

Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: "Học sinh yêu Sử hơn sau mỗi hoạt động như vậy. Việc học qua dự án, hoạt động trải nghiệm đưa học sinh đến gần hơn với Lịch sử - môn học nhiều em còn e ngại".

Thực hiện các hoạt động trên theo quy mô khối, trường, là sự nỗ lực và chung tay góp sức của toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh các nhà trường. Đây cũng là phương pháp giúp đổi mới việc dạy và học môn Lịch sử để xua tan tâm lý "ngại học" của một bộ phận học sinh.

“Là giáo viên Lịch sử, mong muốn của tôi là học sinh có thể tiếp cận với lịch sử với niềm say mê, hứng khởi và không nghĩ rằng đây là môn học khó, môn học học thuộc. Để được như vậy, trước hết giáo viên cần đổi mới và sáng tạo phương pháp giảng dạy linh hoạt, sinh động. Đồng thời, hãy cho học sinh chủ động tiếp cận bài học và khơi gợi tri thức” - cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà chia sẻ.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-vien-doi-moi-nha-truong-chung-tay-dua-lich-su-den-gan-hoc-sinh-OizO9WjnR.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-vien-doi-moi-nha-truong-chung-tay-dua-lich-su-den-gan-hoc-sinh-OizO9WjnR.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên đổi mới, nhà trường chung tay đưa Lịch sử đến gần học sinh