Giáo dục

Giáo viên làm tổ trưởng tổ chuyên môn: Băn khoăn phụ cấp và định mức tiết dạy

27/07/2024 17:05

Theo dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học, mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ.

Đối với các vị trí kiêm nhiệm và hoạt động chuyên môn theo quy định, nếu đã nhận tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy. Điều này khiến cả giáo viên và cán bộ quản lý các trường học có không ít băn khoăn.

Từ 2 trong 1 thành 1 trong 2

Đảm nhiệm Tổ trưởng chuyên môn Tổ Toán, Trường THPT số 1 Đức Phổ (Quảng Ngãi), thầy Huỳnh Quang Liêm đang được giảm định mức tiết dạy 3 tiết/tuần và hưởng phụ cấp chức vụ với hệ số 0,25.

Thầy Liêm cho biết, định mức giảm tiết dạy của tổ trưởng tổ chuyên môn là 3 tiết/tuần nhưng công việc đảm nhận trên thực tế cần nhiều thời gian để giải quyết hơn thế. Chuẩn bị vào đầu năm học, tổ trưởng tổ chuyên môn phải xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ, phân công công việc cho giáo viên trong tổ, thống nhất tiết dạy để lên lịch báo giảng.

Ngoài ra, còn chủ trì các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn, chuẩn bị nội dung cuộc họp. Trong một năm, tổ trưởng tổ chuyên môn còn tham gia ra đề kiểm tra hoặc phản biện đề cho bài kiểm tra định kỳ; đồng thời tham gia tập huấn các chuyên đề để triển khai tại trường. Thêm công việc nữa của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là dự giờ một số tiết dạy; đánh giá, xếp loại giáo viên…

“Nếu vẫn duy trì phụ cấp chức vụ cho vị trí kiêm nhiệm tổ trưởng tổ chuyên môn thì hằng tháng, tôi nhận thêm được vài trăm nghìn đồng cũng phụ thêm xăng xe để mình đi lại, giải quyết các công việc chung của tổ.

Nếu không có khoản phụ cấp này thì những đầu việc mà ban giám hiệu phân công, mình vẫn thực hiện và làm tốt vì đó là công việc chuyên môn. Nhưng nếu nói không có tâm tư gì thì không đúng”, thầy Liêm chia sẻ.

Tương tự, thầy Thạch Cảnh Bê - Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Đức Phổ (Quảng Ngãi), nhận xét, trên thực tế, trách nhiệm của tổ trưởng tổ chuyên môn ở các nhà trường hiện nay rất nặng, số lượng hồ sơ sổ sách cũng nhiều. Ban giám hiệu trên thực tế chỉ có 3 người, không thể chỉ đạo sâu và bao quát hết hoạt động chuyên môn của các môn học vì không đúng chuyên ngành được đào tạo.

“Tổ trưởng chuyên môn vì vậy là những người chịu trách nhiệm chính về hoạt động tổ để phát triển bộ môn. Thực hiện Chương trình GDPT 2018, mỗi tổ chuyên môn là một đơn vị bồi dưỡng.

Trong đó, sinh hoạt tổ chuyên môn của nhà trường phải chú trọng nội dung nghiên cứu học tập, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng như giải quyết, bàn bạc, thảo luận những vấn đề khó, lúng túng thuộc về nội dung, phương pháp mà tổ nêu ra hoặc tổ viên đề xuất; triển khai các chuyên đề…”, thầy Thạch Cảnh Bê cho hay.

Tuy nhiên, theo như dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học thì sắp tới, giáo viên kiêm nhiệm làm tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn trong các trường học có thể không còn hưởng phụ cấp chức vụ nếu muốn được giảm tiết dạy và ngược lại.

Liên quan đến nội dung dự thảo Thông tư trên, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ, qua thăm dò ý kiến của các giáo viên kiêm nhiệm làm công tác chuyên môn ở vị trí tổ trưởng, tổ phó thì đa phần thầy cô lựa chọn phương án hưởng phụ cấp chức vụ và không giảm tiết dạy.

Trên thực tế, nếu hưởng phụ cấp chức vụ thì sẽ được tính vào bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, trong thời gian nghỉ hè, giáo viên không có tiết dạy nên việc giảm định mức 3 tiết dạy/tuần không có giá trị trong 3 tháng này.

tổ chuyên môn.jpg
Họp tổ chuyên môn. Ảnh minh họa/ INT

Chủ động phương án điều tiết

Thầy Phạm Tấn Bửu - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thì Nhậm so sánh: Theo quy định, giáo viên đảm nhiệm chức vụ bí thư chi bộ sẽ giảm định mức 4 tiết dạy/tuần. Thế nhưng trên thực tế, chức vụ bí thư chi bộ đều là hiệu trưởng nhà trường đảm trách và không được áp dụng định mức. Nên chăng, cần bổ sung đối tượng được giảm định mức bao gồm cả cán bộ quản lý nếu đảm nhiệm chức bí thư chi bộ.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt cho biết, nếu dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học áp dụng trong thực tế thì các trường tiểu học, vốn đã ở trong tình trạng thiếu giáo viên càng thiếu trầm trọng.

Theo đó, với cách tính mới, giáo viên chủ nhiệm được giảm 4 tiết/tuần thay vì 3 tiết như hiện nay. Như Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, trong năm học 2024 – 2025, với 36 lớp học tương ứng với 36 giáo viên chủ nhiệm thì sẽ giảm thêm 36 tiết theo định mức mới. Trong khi đó, nhà trường đang thiếu 3 giáo viên văn hóa vì tăng lớp. Cộng thêm cách tính định mức mới thì nhà trường thiếu thêm 1,5 giáo viên nữa.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh đang xây dựng phương án gộp tổ. Theo đó, nếu trước đây, mỗi khối lớp là 1 tổ chuyên môn thì năm học tới đây, nhà trường chỉ còn 3 tổ chuyên môn, trong đó khối 1 - 2 là một tổ, khối 3 - 4 gộp thành một tổ.

Riêng khối 5 do đây là năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 nên vẫn duy trì một tổ chuyên môn độc lập. Trước đây, nhà trường duy trì tổ Anh văn thì nay sẽ sinh hoạt chung với giáo viên khối lớp 5 để tạo thành một tổ chuyên môn ghép và bầu ra 2 tổ phó.

Mỗi cụm môn Thể dục, Mỹ thuật… sẽ sinh hoạt chuyên môn chung với các tổ ghép. Tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ phải xây dựng kế hoạch giáo dục của môn học lại. Với cách sắp xếp này, mỗi tổ chuyên môn của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh giảm 1 tổ trưởng, 1 tổ phó và 1 tổ trưởng tổ công đoàn so với trước đây.

Trong khi đó, thầy Phạm Tấn Bửu - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), cách gộp tổ chuyên môn với các trường THCS, THPT khó khả thi vì đặc thù bộ môn.

Một trong những công việc chính của tổ trưởng là đổi mới nội dung sinh hoạt chuyên môn, bao gồm cả sinh hoạt theo chủ đề và hướng nghiên cứu bài học. Đây là những nội dung hoạt động chuyên môn nòng cốt khi các trường triển khai Chương trình GDPT 2018.

“Hiện nay, giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn làm nhiều công việc nhưng mức phụ cấp chức vụ chỉ mang tính chất tượng trưng để động viên là chính. Quan điểm của tôi là vẫn duy trì cả phụ cấp chức vụ và giảm định mức tiết dạy cho các vị trí kiêm nhiệm như tổ trưởng, tổ phó chuyên môn như hiện nay”, thầy Bửu bày tỏ và cho rằng, quan trọng là hiệu quả công việc.

Đơn cử như việc trao đổi, góp ý của tổ trưởng tổ chuyên môn qua các tiết dự giờ, nếu qua quýt cho xong chuyện hoặc theo kiểu chỉ trích, “vạch lá tìm sâu” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của giáo viên trong tổ, chất lượng bộ môn khó phát triển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên làm tổ trưởng tổ chuyên môn: Băn khoăn phụ cấp và định mức tiết dạy