Một lớp học của Trường THCS Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: TG |
Đại biểu Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (Đoàn ĐBQH Quảng Ninh) - đề nghị, việc tăng lương cho đối tượng nào cũng cần xem xét, đánh giá tác động một cách đầy đủ; nhất là với những đối tượng ở các lĩnh vực có nhiều khó khăn, bất cập về thu nhập như đội ngũ giáo viên…
“Tôi cho rằng, cần đánh giá tác động rộng rãi hơn đối với các đối tượng trong ngành Giáo dục, Y tế. Qua đó sẽ thấy được bất cập như thế nào và làm sao để tăng lương đảm bảo phù hợp với mức thu nhập của người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước” - đại biểu Đỗ Thị Lan nêu vấn đề.
Bày tỏ quan ngại về tình trạng cán bộ công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ nhà giáo nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) viện dẫn, thống kê của Bộ Nội vụ trong 2,5 năm qua cho thấy, cả nước có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân. Trong đó, khối giáo dục là hơn 16.000 người.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, điều đáng lo ngại là, trong thời gian ngắn, chuyện nghỉ việc, chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang tư nhân với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là điều không bình thường. Do đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng báo cáo số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc. Cần làm rõ nguyên nhân do đâu? Ngoài thu nhập, áp lực công việc còn có những nguyên nhân nào nữa không? Khi chúng ta đánh giá đúng, đủ nguyên nhân thì mới có giải pháp phù hợp. Còn nếu đánh giá chưa đầy đủ thì chúng ta chưa có giải pháp đúng, trúng và căn cơ cho bài toán này trong thời gian tới.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, giáo viên chịu nhiều áp lực, tính chất công việc đặc thù và yêu cầu ngày càng cao. Tuy nhiên, mức lương, thu nhập lại chưa được cải thiện. Đây cũng là một trong những lý do vì sao nhiều giáo viên xin nghỉ việc trong hơn 1 năm qua. Giải quyết vấn đề này cần tính đến các giải pháp tổng thể, trong đó cần cải thiện mức thu nhập cho đội ngũ nhà giáo.
Cùng với đó, tạo môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, tạo điều kiện cho giáo viên sáng tạo, phát huy năng lực, sở trường của mình. Ngoài ra, ngành Nội vụ cần nghiên cứu, xem xét lại về việc tinh giản biên chế giữa các ngành, địa phương; trong đó có ngành Giáo dục. Tránh tình trạng lĩnh vực cần giảm thì lại tăng, còn lĩnh vực cần bổ sung nhân lực thì lại giảm.
“Tôi vẫn muốn, làm sao để đời sống của giáo viên được cải thiện, thu nhập tăng lên. Có như vậy, chúng ta mới thực sự nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục được tình trạng dạy thêm, học thêm” – đại biểu Hồ Thị Minh đặt vấn đề.