Tiểu phẩm của học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Tuy về an toàn giao thông trong giờ chào cờ. Ảnh: TG |
Rèn học sinh trong giao tiếp hàng ngày
Theo ông Đặng Hữu Dương - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bạch Thông (Bắc Kạn), Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Do đó, việc giáo dục, phát triển các kỹ năng rất cần thiết và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong năm học mới. Phòng GD&ĐT đã yêu cầu các trường học trên địa bàn chú trọng nhiệm vụ này ngay từ đầu năm học. Tuỳ theo điều kiện và căn cứ vào thực tế, các trường có thể tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phù hợp, hiệu quả.
“Với đặc thù là huyện miền núi, chúng tôi khuyến khích các trường giáo dục học sinh kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm, phòng chống buôn bán người, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm…” – ông Dương trao đổi, đồng thời gợi mở: Các hoạt động này có thể lồng ghép trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo hoặc giáo dục ngoài giờ lên lớp…
“Gieo hành vi, gặt thói quen, gieo thói quen thì gặt nhân cách” - TS Nguyễn Thị Thanh Nga- Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) - nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, việc đưa vào chương trình giáo dục phổ thông 12 giá trị sống do UNESCO đề xuất là hoàn toàn cần thiết. Điều này đòi hỏi nhà trường, giáo viên giúp học sinh rèn luyện trong từng giao tiếp, ứng xử hàng ngày.
Nhấn mạnh, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh hình thành, phát triển những kỹ năng, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – Học viện Quản lý Giáo dục – chia sẻ, dạy kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường là nói đến phương pháp tiến hành các hoạt động học tập, giúp trẻ ghi nhớ giá trị, quy tắc ứng xử và áp dụng vào trong cuộc sống. Mỗi kỹ năng sống sẽ kèm theo nhiều giá trị sống, tạo nên bộ giá trị tinh thần cho trẻ.
Ở nhiều nước, phòng tâm lý học đường là bộ phận cấu thành ở môi trường giáo dục tiên tiến. Bằng các biện pháp tâm lý giáo dục, thầy, cô giáo, ban giám hiệu, cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội khác có thể tham gia vào các hoạt động phòng ngừa, can thiệp sớm và can thiệp chuyên sâu, nhằm giải quyết những vấn đề tâm lý. Qua đó, giúp các em học tập hiệu quả trong trường học hạnh phúc.
“Để những giá trị đạo đức, kỹ năng của học sinh được nở hoa kết trái, cần có những biện pháp, hình thức giáo dục phù hợp; mà ở đó, thầy, cô giáo chính là người “gieo mầm”. Nếu chúng ta gieo hạt giống khỏe và chăm sóc tốt, sẽ nhận được quả ngọt” - TS Nguyễn Thị Thanh Nga nhấn mạnh.