Các bạn trẻ xếp hàng vào thăm Đền tưởng niệm các vua Hùng ở TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Cẩm Anh |
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM, giới trẻ, đặc biệt là thế hệ gen Z có đủ lòng nhiệt huyết và tinh thần hướng về nguồn cội. Song dưới tác động của trào lưu văn hóa đại chúng như hiện nay, cần có “nghệ thuật” định hướng giới trẻ.
“Chúng ta nên nghệ thuật hóa các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp hướng tới giáo dục ý thức cội nguồn, độc lập dân tộc và văn hóa thông qua các hoạt động văn thể mỹ, chương trình truyền hình tập trung cùng nhóm chủ đề tương tự”, TS Ngọc Thơ chia sẻ quan điểm và đưa ra dẫn chứng:
Lấy các chương trình, tiết mục trước và trong Tết Nguyên đán làm ví dụ, hình thức nghệ thuật hóa và nội dung tập trung vào chủ đề Tết đã trực tiếp thúc đẩy ý niệm về truyền thống hết sức hiệu quả.
Việc giáo dục ý thức nguồn cội trong giới trẻ hiện nay nên được linh hoạt thể hiện qua con người nghệ thuật hóa, đại chúng hóa trong không gian công cộng và tập trung hóa trên các phương tiện truyền thông.
Theo ông Thơ, Quốc tổ Hùng Vương hay cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ là một hệ thống các biểu tượng nguồn cội dân tộc và văn hóa được các thế hệ cha ông đúc kết, xây dựng và biểu trưng hóa nhằm thúc đẩy ý thức độc lập dân tộc, tinh thần uống nước nhớ nguồn và lòng yêu nước.
Con số 18 đời Hùng Vương tượng trưng cho số nhiều, tức nhiều đời thủy tổ dân tộc. Vì là một biểu tượng, Quốc tổ Hùng Vương không nên được cụ thể hóa thành một vị thủy tổ nhất định, mà nên là các thế hệ tổ tiên cổ xưa nói chung, những người đã có công tạo dựng và phát triển truyền thống dân tộc và nền tảng văn hóa Việt Nam.
Đứng ở góc độ này, ngày nay chúng ta có thể xây dựng chùm ý nghĩa lịch sử - văn hóa cho ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Bên cạnh các hoạt động mang tính nghi lễ để tưởng nhớ công ơn, có thể đầu tư thêm cho các hoạt động văn thể mỹ mang tính khơi gợi, thúc đẩy ý thức độc lập dân tộc và tôn quý truyền thống văn hóa quốc gia, chẳng hạn Festival các nghề truyền thống, lễ hội cổ phục Việt Nam, lễ hội dân ca và nhạc cổ truyền...
“Bản thân ngày Giỗ Tổ mang tên Quốc tổ Hùng Vương đã trực tiếp nhắc nhớ về tổ tiên, nguồn cội. Chúng ta cần có thêm các hoạt động đại chúng để thúc đẩy tinh thần tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc, vốn là một trong các ý nghĩa quan trọng của phong tục thờ phụng Quốc tổ ở Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ nhấn mạnh.
PGS.TS Phan An, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết: Vấn đề giáo dục truyền thống văn hóa, hình thành tư tưởng tâm lý biết ơn cội nguồn ở thế hệ trẻ rất cần thiết. Nếu không được giáo dục về cội nguồn, lớp trẻ sẽ coi ngày Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ là ngày nghỉ đơn thuần. Trách nhiệm này không chỉ của thế hệ trẻ, mà còn là của nền giáo dục, cộng đồng và xã hội.