Trong bối cảnh năm học 2025 – 2026 có nhiều biến động cả về quy định tuyển sinh và điều chỉnh địa giới hành chính, việc giữ ổn định công tác tuyển sinh đầu cấp đang là ưu tiên hàng đầu của các địa phương.
Đồng thuận giữ ổn định, ưu tiên quyền học tập cho mọi học sinh
Điểm chung dễ nhận thấy là các địa phương đều thống nhất chủ trương không để học sinh bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan như thay đổi địa giới hành chính hay áp lực chỉ tiêu. Hà Nội là nơi có quy mô học sinh lớn nhất cả nước, riêng năm nay, Thành phố có khoảng 127.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tạo áp lực không nhỏ lên hệ thống tuyển sinh lớp 10.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm 2025, Thành phố sẽ tuyển mới khoảng 95.000 trẻ vào nhà trẻ, 52.000 trẻ vào mẫu giáo, 155.000 học sinh vào lớp 1 và 161.000 học sinh vào lớp 6. Đây là những con số rất lớn, nhưng Sở đã có kế hoạch đồng bộ từ cơ sở vật chất đến công nghệ quản lý để đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội học tập công bằng.
Để tạo điều kiện thuận lợi, Hà Nội sẽ tổ chức tuyển sinh trực tuyến từ ngày 1 đến 9/7/2025, sau đó tuyển sinh trực tiếp từ ngày 12 đến 18/7/2025.
Là một trong những quận có tốc độ gia tăng dân số nhanh và biến động sĩ số lớn, Hà Đông hiện có 145 trường học, trong đó 99 trường công lập, hệ thống trường tư thục đang hỗ trợ hơn 20% tổng số học sinh toàn quận. "Quận Hà Đông là một trong những nơi có số lượng học sinh tăng mạnh hằng năm, năm nay tăng khoảng 5.000 học sinh so với năm học trước. Tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, từ xây mới đến mở rộng lớp học ở nhiều phường trọng điểm như Kiến Hưng, Dương Nội, Mậu Lương… để bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh," bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông – chia sẻ.
Liên quan đến sáp nhập địa giới hành chính – một lo ngại lớn với nhiều phụ huynh – bà Hằng khẳng định: "Tất cả các tuyến tuyển sinh đều đã được lập trình chi tiết đến từng số nhà, từng ngõ. Chúng tôi vẫn giữ nguyên dữ liệu địa danh cũ để phụ huynh không bị xáo trộn. Phần mềm tuyển sinh của Sở hoạt động đồng bộ với hệ thống định danh, nên việc đăng ký trực tuyến vẫn diễn ra bình thường."
Công tác tuyên truyền và hỗ trợ cũng được chú trọng: "Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với tổ dân phố, công an phường, các nhà trường, đường dây nóng luôn túc trực. Nếu phụ huynh cần hỗ trợ, chúng tôi sẵn sàng giải đáp. Các gia đình yên tâm rằng mọi học sinh đều sẽ có suất học phù hợp, không ai bị bỏ sót."
Tại Trường THCS Văn Quán, Hiệu trưởng Trần Thị Yến cho biết: “Với việc sáp nhập địa giới hành chính, nhiều phụ huynh lo ngại sẽ xảy ra tình trạng trái tuyến, con em phải đi học xa hoặc bị thiếu suất học. Tuy nhiên, tuyến tuyển sinh của nhà trường vẫn giữ nguyên là địa bàn phường Văn Quán cũ, không có sự thay đổi. Chúng tôi căn cứ vào kết quả điều tra phổ cập và dữ liệu định danh trên VNeID để xác định chính xác học sinh trong diện tuyển sinh.”
Theo bà Yến, nhà trường đã chủ động phối hợp với UBND và Công an phường, tổ trưởng các tổ dân phố rà soát, lập danh sách học sinh từ rất sớm, đảm bảo “không sót, không sai”. “Chúng tôi chỉ tiếp nhận học sinh đúng tuyến. Những trường hợp chưa rõ ràng sẽ được xác minh trực tiếp trên hệ thống VNeID hoặc yêu cầu xác nhận từ phía công an. Nhờ vậy, phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm, không có chuyện nhầm lẫn hay bỏ lỡ thời điểm đăng ký,” Hiệu trưởng Trường THCS Văn Quán cho biết.
Về công tác thông tin, bà Yến nhấn mạnh: “Nhà trường công khai đầy đủ kế hoạch tuyển sinh trên cổng thông tin điện tử, trên bảng tin nhà trường, đồng thời phối hợp với đài truyền thanh phường phát tin đều đặn trước thời điểm tuyển sinh ít nhất 10 ngày. Chúng tôi thực hiện đúng nguyên tắc '5 rõ': Rõ tuyến, rõ chỉ tiêu, rõ thời gian, rõ phương thức và rõ trách nhiệm trong toàn bộ quy trình tuyển sinh.”
Bắc Ninh: Thi tuyển lớp 10, kiểm tra năng lực vào lớp 6
Khác với Hà Nội – nơi phần lớn học sinh vào lớp 6 theo hình thức xét tuyển – tỉnh Bắc Ninh tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực đối với học sinh đăng ký vào các trường THCS trọng điểm, có số lượng đăng ký vượt chỉ tiêu. Theo ông Nguyễn Đức Hà – Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh: "Bài kiểm tra năng lực lớp 6 sẽ được tổ chức thống nhất toàn tỉnh vào ngày 7/6/2025. Đây là giải pháp cần thiết để đảm bảo công bằng, minh bạch trong tuyển sinh, nhất là ở các trường thu hút đông học sinh."
Ngoài ra, Bắc Ninh tiếp tục thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập và chuyên với 3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh – tất cả đều tính điểm bình đẳng, không còn áp dụng hệ số. Học sinh thi chuyên phải dự thi thêm môn chuyên, trong đó có môn mới là tiếng Hàn, bên cạnh tiếng Anh và tiếng Trung. "Chúng tôi chủ động giữ ổn định kỳ thi lớp 10 nhưng cũng có cải tiến đáng kể về phương pháp chấm và chỉ tiêu tuyển sinh, bảo đảm phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh," ông Hà nói thêm.
Có thể thấy điểm chung rõ ràng trong công tác tuyển sinh đầu cấp năm nay là sự chủ động, công khai và minh bạch, gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và sự phối hợp chặt chẽ liên ngành. Dù mỗi địa phương có phương thức riêng – xét tuyển, thi tuyển, hay kết hợp kiểm tra năng lực – nhưng tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung: Bảo đảm mọi học sinh đều được đến trường đúng tuyến, đúng quyền lợi và không ai bị bỏ lại phía sau.