Giáo dục

Giữ vững kỷ cương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt của năm 2025

28/05/2025 09:58

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là phép thử chưa từng có với ngành giáo dục, khi lần đầu tiên hai chương trình 2006 và 2018 cùng thi chung một kỳ. Giữa áp lực chuyển đổi, Bộ GD&ĐT khẳng định quyết tâm giữ vững kỷ cương, siết chặt giám sát và bảo vệ sự trung thực của kỳ thi quốc gia.

Giữ vững kỷ cương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt của năm 2025- Ảnh 1.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương yêu cầu các địa phương rà soát kỹ điều kiện tổ chức thi - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm

Chủ động vượt khó với kỳ thi 'hai trong một'

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là dấu mốc quan trọng với ngành giáo dục, khi lần đầu tiên học sinh theo hai chương trình giáo dục phổ thông – 2006 và 2018 – cùng bước vào một kỳ thi chung. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật tổ chức, mà còn là phép thử năng lực điều hành, khả năng phối hợp và tính kỷ luật của toàn hệ thống. Trong bối cảnh đó, việc bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, an toàn và đúng quy chế là nhiệm vụ không thể lơi lỏng.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT chỉ rõ: "Năm nay, kỳ thi có điểm rất đặc thù. Chúng ta cùng lúc tổ chức cho hai nhóm học sinh theo hai chương trình khác nhau. Với chương trình 2006, cấu trúc thi vẫn giữ truyền thống, một buổi có thể thi hai môn, đề thi in khổ A4 với nhiều mã đề như trước đây. Trong khi đó, chương trình 2018 yêu cầu linh hoạt hơn, mỗi buổi có thể thi theo tổ hợp, đề thi được thiết kế để in hai mặt trên khổ giấy A3, tiết kiệm và thuận tiện hơn trong khâu phát và bảo quản".

Đây không chỉ là thay đổi kỹ thuật mà cho thấy một nỗ lực nghiêm túc trong việc đồng bộ hóa phương thức tổ chức thi phù hợp với đổi mới chương trình. Một cải tiến nhỏ trong hình thức trình bày đề có thể tạo nên khác biệt lớn về quản trị rủi ro, đặc biệt trong khâu phát đề và bảo mật. Nếu không thực hiện chuẩn chỉnh, việc phát nhầm mã đề hoặc in thiếu trang – vốn đã từng xảy ra – hoàn toàn có thể tái diễn và làm mất uy tín kỳ thi.

Ông cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương rà soát kỹ điều kiện tổ chức thi. Chỉ cần sai sót ở một mắt xích nhỏ cũng có thể ảnh hưởng toàn bộ quy trình. Do đó, các đơn vị cần chủ động, chi tiết từ khâu in sao đề thi đến phát đề, bảo quản, tránh để xảy ra tình huống bị động như đã từng có ở một số địa phương trước đây".

Không chỉ dừng ở công tác kỹ thuật, Bộ cũng dành nhiều quan tâm cho khâu tổ chức tập huấn và truyền thông nội bộ. "Tài liệu, slide trình chiếu, văn bản hướng dẫn chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ, gửi đến tất cả các sở và cơ sở giáo dục đại học. Không cần mỗi nơi mỗi kiểu. Cứ làm đúng, đủ theo hướng dẫn là bảo đảm", ông Chương nói rõ.

Một trong những tồn tại kéo dài qua nhiều kỳ thi cũng được ông thẳng thắn đề cập: "Nhiều đoàn kiểm tra đi kiểm tra nhưng lại không nắm chắc quy chế. Đây là lỗi không thể chấp nhận. Nếu người đi giám sát mà còn chưa hiểu rõ quy định thì lấy gì bảo đảm đúng – sai? Vì thế năm nay, chúng tôi siết chặt từ công tác chuẩn bị đến thanh tra, kiểm tra. Mỗi đoàn đều phải nghiên cứu kỹ quy chế, đi thực chất, không hình thức".

Giữ vững kỷ cương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt của năm 2025- Ảnh 2.
Ông Nguyễn Đức Cường nhấn mạnh, một sơ suất nhỏ cũng đủ để gây tổn hại đến hàng chục thí sinh - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm

Kiểm tra, thanh tra phải nghiêm túc, đúng trọng tâm

Ở góc độ thanh tra, ông Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý: "Cần thẳng thắn nhìn vào các tồn tại, đặc biệt là các hành vi cố tình vi phạm quy chế thi. Những trường hợp này không thể bỏ qua hay xử lý chiếu lệ. Phải xử lý nghiêm, xử lý đến nơi đến chốn để tạo răn đe, giữ kỷ cương, lấy lại niềm tin cho xã hội. Nếu cứ để tình trạng sai mà không ai chịu trách nhiệm, thì kỳ thi có nghiêm túc đến đâu cũng không còn ý nghĩa".

Tuy vậy, ông cũng khuyến cáo lực lượng thanh tra phải làm đúng chức năng, đúng mực. "Có những nơi, quá nhiều lực lượng cùng vào một điểm thi gây áp lực không cần thiết, thậm chí ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh. Chúng tôi đã có hướng dẫn cụ thể: Kiểm tra phải linh hoạt, khoa học, không gây cản trở hoạt động bình thường của thầy và trò".

Về nhân sự, ông Cường chia sẻ: "Mấy năm trước có trường hợp trưởng đoàn chưa đủ điều kiện, người tham gia thì thiếu kinh nghiệm. Năm nay, chúng tôi phối hợp chặt với các đơn vị, chủ động huy động người có kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu quy chế. Làm thanh tra không chỉ cần nghiệp vụ, mà cần cái tâm và cả sự nhạy bén trong xử lý tình huống".

Không chỉ dừng lại ở khâu coi thi, cả hai ông đều nhấn mạnh công tác chấm thi và phúc khảo cũng phải được kiểm soát kỹ lưỡng. "Chấm thi là khâu dễ phát sinh tiêu cực nhất. Nếu cán bộ không được tập huấn kỹ, không cách ly nghiêm ngặt, thì việc lọt điểm, sửa bài, can thiệp kết quả hoàn toàn có thể xảy ra", ông Cường cảnh báo. Còn ông Chương thì nói rõ hơn: "Chúng tôi yêu cầu thực hiện đúng từng bước – từ đánh phách, bảo mật túi bài, bàn giao – đều phải có biên bản, có kiểm tra chéo, không làm qua loa".

Thực tế từng có không ít vụ việc sai sót trong chấm thi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí phải tổ chức chấm thẩm định lại từ đầu. Một sơ suất nhỏ cũng đủ để gây tổn hại đến hàng chục thí sinh. Nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và tâm thế thận trọng, kỳ thi sẽ đánh mất chức năng đánh giá công bằng – điều cốt lõi mà xã hội kỳ vọng.

Giữ vững kỷ cương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt của năm 2025- Ảnh 3.
Bộ GD&ĐT dự kiến thành lập 12 đoàn công tác làm việc tại các địa phương

Tăng cường công nghệ, nâng cao trách nhiệm địa phương

Về mặt tổ chức kiểm tra, Bộ GD&ĐT dự kiến thành lập 12 đoàn công tác làm việc tại các địa phương. Theo ông Cường: "Chúng tôi sẽ tập trung vào các địa phương năm trước có vi phạm, hoặc có nguy cơ cao, không kiểm tra dàn trải. Địa phương nào làm tốt sẽ được ghi nhận, địa phương nào làm chưa nghiêm sẽ có nhắc nhở, thậm chí kiến nghị xử lý".

Không dừng ở đó, Bộ cũng khuyến khích các địa phương ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả giám sát. "Một số nơi đã thí điểm camera giám sát phòng bảo quản bài thi. Đây là tín hiệu tốt. Chúng tôi đang khuyến khích nhân rộng", ông Cường cho biết.

Chế độ báo cáo và thông tin liên lạc trong quá trình tổ chức kỳ thi cũng được kiểm soát chặt chẽ. "Trưởng điểm thi không được tự ý trả lời điện thoại cá nhân về các vấn đề chuyên môn. Tất cả phải thông qua đầu mối chính thức. Có như vậy mới bảo đảm tính thống nhất, tránh thông tin sai lệch gây hoang mang", ông Chương nói rõ.

Cả hai vị lãnh đạo đều khẳng định kỳ thi năm nay là thử thách thật sự. Nhưng nếu mỗi khâu đều thực hiện nghiêm túc, đúng vai, đúng quy trình, thì kết quả sẽ là một kỳ thi trung thực, khách quan và an toàn. "Chúng tôi không yêu cầu làm nhiều, chỉ yêu cầu làm đúng và làm đủ. Quan trọng nhất là giữ được niềm tin của người dân vào kỳ thi này", ông Chương kết luận.

Còn theo ông Cường: "Không ai muốn kỳ thi bị hoài nghi. Mỗi giáo viên, cán bộ tham gia kỳ thi phải ý thức rằng mình đang góp phần bảo vệ sự công bằng cho hàng triệu học sinh. Đây không phải trách nhiệm cá nhân, mà là trách nhiệm với cả một thế hệ".

Ở thời điểm mà xã hội đặc biệt quan tâm tới sự minh bạch trong giáo dục, từng chi tiết nhỏ trong tổ chức kỳ thi đều là phép thử của niềm tin công chúng. Bài học từ những sự cố trong quá khứ cho thấy, chỉ một điểm trượt nhỏ cũng có thể trở thành khủng hoảng. Vì thế, kỳ thi năm nay không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục, mà còn là lời cam kết công khai trước xã hội rằng mọi nỗ lực đang hướng tới một môi trường thi cử công bằng, đáng tin cậy và có trách nhiệm.

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/giu-vung-ky-cuong-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-dac-biet-cua-nam-2025-102250527213737625.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/giu-vung-ky-cuong-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-dac-biet-cua-nam-2025-102250527213737625.htm
Bài liên quan
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Rèn luyện kỹ năng cho học sinh làm quen những dạng thức mới của đề thi
Hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 diễn ra an toàn, nghiêm túc và đạt kết quả cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ vững kỷ cương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt của năm 2025