Năm học 2025 - 2026, Đắk Lắk tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng hình thức thi tuyển đối với 100% trường THPT công lập.
Đây là bước ngoặt quan trọng của ngành GD-ĐT trong việc nâng cao chất lượng đại trà, đồng thời tạo ra sự thay đổi nhận thức về định hướng học tập, nghề nghiệp sau khi học xong lớp 9 đối với phụ huynh trên địa bàn tỉnh.
Ông Huỳnh Viết Trung - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Bông (Đắk Lắk) cho biết, 100% trường THCS trên địa bàn triển khai công tác phân loại, tổ chức ôn tập gắn định hướng phân luồng sau THCS.
Theo đó, địa phương này xác định, tuyên truyền để học sinh, phụ huynh hiểu, đồng thuận là yếu tố then chốt. Bởi tương lai của các em không phải “đua” nhau vào học THPT mà cần có định hướng phù hợp, tránh lãng phí thời gian, công sức.
Ghi nhận thực tế cho thấy, phụ huynh, học sinh đã thay đổi nhận thức, việc lựa chọn đường đi cho con em được quyết định từ sớm. Gia đình em Vàng A Lùng - lớp 9A1, Trường THCS Hòa Phong (thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) quyết định cho con học nghề sau khi tốt nghiệp THCS thay vì thi vào lớp 10 THPT. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế và năng lực học tập của em khó theo kịp bạn bè.
“Sau khi kết thúc học kỳ I lớp 9, nhận thấy học lực của cháu khó học cao lên, gia đình đã động viên nghỉ học. Tuy nhiên, đầu tháng 2, trường tổ chức họp và tuyên truyền về việc học nghề ở TP Buôn Ma Thuột. Qua nắm bắt thông tin, gia đình quyết định cho cháu học hết lớp 9 rồi đi học nghề”, mẹ của Vàng A Lùng nói.
Tương tự, em Tăng Văn Đạt (cùng lớp với A Lùng) quyết định sẽ nhường phần học THPT lại cho 2 em sau này. Lý do xuất phát từ lực học và hoàn cảnh gia đình. Theo lời Đạt, bố mẹ không có nghề nghiệp chỉ chăn bò thuê. Nếu em cố theo học THPT thêm 3 năm sau đó mới đi học nghề thì bố mẹ không lo nổi việc học cho 3 anh em.
“Em đã nghĩ tới việc học THPT như bao bạn bè để trở thành kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Nhưng xét thấy lực học trung bình yếu, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, nếu mình đi học thì 2 em (lớp 7 và lớp 2) có thể phải nghỉ học. Vì vậy, em quyết định đi học nghề cơ khí ở Trường Trung cấp Đắk Lắk sau khi tốt nghiệp THCS”, Đạt nói.
Để được bố mẹ đồng ý, Đạt đã vạch sẵn con đường phấn đấu. Theo đó, sau khi học xong THCS, nam sinh đăng ký học nghề kết hợp học văn hóa ở TP Buôn Ma Thuột. Quá trình học sẽ xin việc làm thêm để phụ giúp gia đình lo cho 2 em ăn học.
Tại Trường THCS Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), cô giáo Lê Thị Ngọc Ánh miệt mài ôn tập môn Ngữ văn cho nhóm học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT.
Đây là năm đầu học sinh ở địa phương này tiếp xúc với phương thức thi tuyển. Để tránh bỡ ngỡ, cô Ngọc Ánh cũng như đồng nghiệp ưu tiên thời gian cho các em làm quen với đề minh họa.
“Ở ngôi trường với hơn 95% học sinh dân tộc thiểu số, việc làm quen với đề thi minh họa rất quan trọng. Riêng môn Ngữ văn, các em thường mắc lỗi chính tả, diễn đạt câu chữ.
Do đó, trong các giờ ôn tập, giáo viên dành thời gian sửa chữa, giúp học sinh nhận ra nguyên nhân của việc sai và ghi nhớ. Đối với phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội, giáo viên sử dụng kết hợp văn mẫu và những đoạn văn do chính các em diễn đạt để so sánh giúp khắc sâu kiến thức”, cô Ánh nói.
Do ít tiếp cận với những vấn đề thời sự, giáo viên Trường THCS Cư Pui còn thường xuyên cập nhật thông tin, chuyển tải đến các em thông qua tiết ôn tập. “Nếu không cập nhật các vấn đề thời sự xã hội, học sinh khó hoàn thành bài nghị luận xã hội theo yêu cầu đề minh họa”, cô Ánh nói thêm.
Tương tự, tại Trường THCS Hùng Vương (xã Yang Reh, huyện Krông Bông), cô Hồ Thị Bích Phượng tập trung cao độ ôn tập môn Toán cho học sinh lớp 9. Theo lời cô Phượng, điều đáng lo nhất ở môn này là khả năng điểm liệt luôn ở mức cao. Bởi năm học trước, toàn tỉnh có 12 trường THPT thi thí điểm vào lớp 10 nhưng có gần 2.000 điểm liệt.
Để giúp học sinh “tránh liệt” và nâng cao điểm số, cô Phượng chia học sinh tham gia ôn chia ra thành 2 lớp theo năng lực. Trong đó, đối với những học sinh khá, giỏi ngoài việc bám sát các dạng đề theo đề minh họa của sở GD&ĐT, giáo viên giao bài tập cho từng buổi học theo hướng nâng cao dần.
Đối với học sinh trung bình trở xuống, việc ôn tập sẽ chủ yếu ôn lại nội dung kiến thức cơ bản. Ngoài ra, giáo viên hướng dẫn các em làm và sửa các bài tập đơn giản trước. Sau đó tăng dần mức độ kiến thức theo chuyên đề tránh để học sinh nản vì không làm được bài.
Theo cô Phượng, thời gian trước Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026, giáo viên sẽ cung cấp thông tin về lịch ôn tập, kết quả kiểm tra. Đồng thời, tư vấn cha mẹ cách đồng hành, động viên con em trong thời điểm quan trọng này.
Theo báo cáo của các trường THCS trên địa huyện vùng sâu Krông Bông (Đắk Lắk), tỷ lệ học sinh đăng ký ôn tập đạt trên 95%. Đáng nói, số học sinh đăng ký học nghề kết hợp học văn hóa khoảng 300 em, tăng hơn 10% so với năm học trước. Nguyên nhân, các trường đã bám sát chỉ đạo của sở/phòng GD&ĐT trong việc tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh và phân luồng sau THCS.