Tuy nhiên, việc khắc phục những vi phạm này không đơn giản bởi nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được cải tạo từ nhà ở, thiếu không gian và hệ thống hạ tầng không đảm bảo an toàn. Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng Phòng Công tác Phòng cháy, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho biết, hơn 8 nghìn cơ sở còn tồn tại về PCCC khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC (chủ yếu tồn tại về giao thông dành cho chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC, không đủ lối thoát nạn…).
“Đa số các cơ sở kinh doanh karaoke được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình, dẫn đến không đáp ứng đầy đủ các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC ngay từ thời điểm đưa công trình vào hoạt động và không được duy trì thường xuyên: Không đủ lối thoát nạn hoặc không bảo đảm theo quy định, sử dụng vật liệu trang trí nội thất trên đường thoát nạn, phòng hát không bảo đảm yêu cầu về khả năng chịu lửa theo quy định, không trang bị đủ phương tiện PCCC hoặc không duy trì chế độ hoạt động của hệ thống theo đúng chức năng, lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện, quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không bảo đảm an toàn PCCC...”, ông Hải nêu.
Thống kê từ năm 2020 đến nay xảy ra hơn 45 vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường và đặc biệt là 6 tháng cuối năm 2022 xảy ra 3 vụ, làm chết 32 người, bị thương 17 người và 3 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, gây thiệt hại lớn về tài sản, hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Khó mấy cũng phải gỡ
Một trong những giải pháp được nhiều đại biểu đề cập là sự phối hợp liên Bộ giữa Bộ VHTTDL, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan để cùng nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn về thủ tục đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nối lại hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
“Các cơ quan quản lý đối với cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nghiêm thủ tục thẩm định, cấp phép xây dựng đối với dự án, công trình, nhất là công trình chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng từ nhà ở sang loại hình kinh doanh karaoke, vũ trường, kiểm tra, xử lý vi phạm và thực hiện nghiêm việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, giấy phép kinh doanh đối với cơ sở bị đình chỉ hoạt động, không bảo đảm an toàn về PCCC”, Trung tá Lê Minh Hải đề xuất.
Ông cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC thực hiện kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn cứu hộ đối với cơ sở bảo đảm đúng quy trình theo quy định, xử phạt 100% hành vi vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên cảnh báo cộng đồng dân cư xung quanh biết để giám sát, không để tình trạng cơ sở hoạt động chui.
Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Hà Văn Lâu đề xuất, Bộ Công an, Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường phù hợp thực tiễn.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định, ngành văn hóa tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với dịch vụ karaoke, vũ trường, tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường theo thẩm quyền. Các sở quản lý văn hóa phải kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trước khi cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh karaoke, vũ trường.