Bên cạnh đó, cho phép thực hiện cơ chế quản lý các nhà thầu theo hợp đồng FIDIC (hình thức tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến nhất của hợp đồng xây dựng quốc tế trên thế giới) đầy đủ để giảm rủi ro pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và đẩy nhanh tiến độ dự án; được lựa chọn và ban hành khung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung áp dụng cho các dự án đường sắt đô thị dựa trên các tiêu chuẩn quy chuẩn phổ biến nhất trên thế giới.
Đối với TP Hồ Chí Minh được lựa chọn mô hình và quyết định thành lập Tổng Công ty quản lý đầu tư, xây dựng, phát triển và vận hành hệ thống Metro/TOD có chức năng kinh doanh đa ngành để tự chủ tài chính. Tổng Công ty Metro/TOD của mỗi thành phố được nhận một phần hỗ trợ từ ngân sách để thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo kỹ sư, công nhân lành nghề.
“Nếu có những cơ chế đặc thù nêu trên, việc hoàn thiện đường sắt đô thị đối với hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ mất khoảng 10 năm”, ông Đặng Huy Đông nêu quan điểm.
“Hiến kế” phát triển đường sắt đô thị cho 2 thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ông Sanaki Shigeyuki, điều phối viên chương trình giao thông vận tải, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, phát triển đường sắt đô thị TOD tại Việt Nam cần bắt đầu ngay từ bây giờ.
TOD là một chiến lược quy hoạch và thiết kế tập trung vào việc tạo ra mô hình phát triển đô thị với nhiều điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng giao thông công cộng, đi bộ và đạp xe. Quy hoạch tổng thể hoặc tái thiết đô thị, đặc biệt là các khu vực xung quanh đầu mối giao thông công cộng cần có sự điều chỉnh về mật độ; kế hoạch sử dụng đất… để tối ưu khả năng cung cấp không gian công cộng bằng nguồn lực tư nhân.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), không thể đặt ra kỳ vọng thu hồi chi phí từ phí vé, vận hành, chưa nói đến các khoản tái đầu tư. Do đó, phải tạo ra nguồn thu không liên quan đến vé, phí mà từ giá trị gia tăng từ đất. TOD mang lại cơ hội lớn cho thu hồi giá trị gia tăng từ đất vì phát triển giao thông vận tải làm tăng giá trị đất.
Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Việt Nam cần ban hành nghị quyết hoặc quyết định nhằm định hướng chính sách và thiết lập thể chế, xác định TOD là định hướng chính sách cơ bản. Ngoài ra, xây dựng các luật, nghị định và thông tư về các công cụ cho phép thực hiện TOD, khai thác giá trị gia tăng từ đất. Việc tổ chức có thể lựa chọn thí điểm ở Hà Nội, cho phép tạo các cơ chế đặc biệt cho TOD, từ đó rút ra các bài học từ việc phát triển thí điểm và thể chế hóa.