Đối với chuyên đề lớp 10, giáo viên chủ động chia nhóm sao cho mỗi nhóm đều có máy tính và có học sinh biết sử dụng tốt. Đối với chuyên đề khối 11, các giáo viên dạy chuyên đề tự thỏa thuận thời gian để tránh trùng khi sử dụng phòng thực hành.
Chia sẻ kinh nghiệm của Trường THPT Phú Bài, cô Trương Thị Thùy Dương cho rằng, giáo viên phải thường xuyên bổ sung kiến thức thực tế thông qua các buổi tập huấn, bồi dưỡng, dự giờ đồng nghiệp; xây dựng kho tư liệu hỗ trợ sử dụng chung cho toàn tổ; dự giờ, tìm hiểu từ học sinh để học hỏi hoặc giúp đỡ đồng nghiệp kịp thời.
Trong quá trình giảng dạy, thầy cô hướng dẫn học sinh cách hoạt động nhóm, tìm hiểu kiến thức, sử dụng công nghệ thông tin, cách thuyết trình, phản biện; chỉ định học sinh trình bày bài báo cáo để tất cả phải có sự chuẩn bị. Thầy cô cũng nên cho điểm cộng, trừ phù hợp để khuyến khích, tạo động lực cho học sinh trong học tập.
Nói về giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chuyên đề, cô Đào Phương Thảo, tổ trưởng tổ Lịch sử - Địa lí - Giáo dục công dân, Trường THPT Công Nghiệp (Hòa Bình) cho biết: Khi xây dựng kế hoạch dạy học, giáo viên cần chủ động thay đổi thứ tự chuyên đề và thời điểm dạy chuyên đề sao cho phù hợp nhất với chương trình dạy học chính khóa và năng lực của học sinh
Khi thiết kế bài học và tổ chức thực hiện, giáo viên nên dành nhiều thời gian cho phần thực hành hơn, không sa đà vào việc cho học sinh tìm hiểu các kiến thức lí thuyết khô khan, khó hiểu khiến học sinh mất đi hứng thú học tập chuyên đề.
Mục tiêu của sách giáo khoa chuyên đề là “soạn theo phương châm thiết thực, gắn tri thức, kỹ năng với thực hành; kết hợp củng cố, hệ thống hóa kiến thức cơ bản với các hoạt động vận dụng nhằm tạo ra các sản phẩm cụ thể”. Vì thế, cần để học sinh được thực hành, được phát huy tính sáng tạo của mình hơn là lại tiếp tục tăng cường, bổ sung kiến thức lý thuyết.
Trong Chương trình GDPT 2018, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập, tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.