Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho hay, địa phương với đặc thù vùng núi, địa bàn rộng, dân cư thưa nên việc triển khai giáo dục khác so với khu vực đồng bằng. Tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc anh em với 46% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu là Bana và Jrai.
Với 761 cơ sở giáo dục, hơn 414.000 học sinh những năm qua địa phương đã rà soát toàn diện, đầy đủ… xây dựng đề án phát triển giáo dục, về: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, muốn bảo tồn các giá trị văn hoá, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ thì việc triển khai dạy, học tiếng DTTS rất quan trọng và cần thiết. Tỉnh Gia Lai mong muốn Bộ ban, ngành quan tâm về tính đặc thù của từng vùng miền để xây dựng chính sách phù hợp, cân đối nguồn lực và khung thời gian thực hiện…
Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Thành Tâm. |
Tại Hội nghị ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho hay, từ năm 2015 đến năm 2022 địa phương bố trí kinh phí từ nguồn chi thường xuyên để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường là gần 7.618 tỷ đồng.
Theo ông Khoa, chất lượng giáo dục từ mầm non đến phổ thông tại địa phương từng bước được nâng lên, khoảng cách chất lượng giáo dục ở vùng thuận lợi và khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số từng bước được rút ngắn. Đặc biệt, giáo dục mũi nhọn phát triển mạnh qua các năm cả về chất lượng, lẫn số lượng và luôn ở tốp đầu trong các tỉnh khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ…
Thông qua hội nghị, ông Phạm Đăng Khoa mong muốn Quốc hội cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát về chi thường xuyên, ưu tiên nguồn lực đầu tư giáo dục vùng sâu vùng xa, quy hoạch sắp xếp lại trường Sư phạm và bổ sung chỉ tiêu biên chế, đặc biệt đối với các tỉnh Tây Nguyên.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ khó khăn trong phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên. |
Chia sẻ với những khó khăn trong phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận những nỗ lực của các hệ thống chính trị, ngành, giáo dục Tây Nguyên.
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, hiện nay đơn vị đang cùng với các bộ ngành tháo gỡ khó khăn cho vấn đề phân vùng học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) ở những địa phương đạt chuẩn Nông thôn mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, để bảo tồn chữ viết DTTS còn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ, tài liệu giáo trình, ý thức học sinh và phụ huynh. Theo đó cần chuẩn hóa chữ viết, đội ngũ giáo viên phải đủ trình độ, chế độ cho giáo viên… - cần bàn kĩ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh, vấn đề tạo điều kiện cho người DTTS được tham gia đào tạo tạo nguồn cán bộ rất quan trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng… Do đó, các tỉnh Tây Nguyên cần quan tâm đào tạo giáo viên ngay tại chỗ để lấp đầy những nơi thiếu giáo viên.
Đào tạo nghề phù hợp với từng DTTS ở từng địa phương, cán bộ tham gia hệ thống chính trị đảm bảo tỉ lệ phù hợp với dân số ở từng địa phương. Đó là nhiệm vụ đặt ra cho ngành giáo dục đào tạo các tỉnh Tây Nguyên. Uỷ ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp ý sửa đổi chính sách giáo dục phù hợp tình hình thực tế từng giai đoạn.