Gỡ vướng cho học sinh đổi môn học tự chọn

12/02/2023, 12:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập sẽ được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm kế hoạch dạy và học cũng như kiểm tra, đánh giá

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên học sinh lớp 10 trên cả nước học chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điểm mới đáng chú ý của chương trình này so với chương trình hiện hành là bên cạnh các môn bắt buộc, học sinh được lựa chọn môn học.

Nhu cầu có thật và chính đáng

Cụ thể, học sinh được chọn 4 trong 9 môn, gồm: địa lý, giáo dục kinh tế - pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Trên cơ sở nhu cầu học tập của học sinh và điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, nhà trường xây dựng các tổ hợp môn học phù hợp và hỗ trợ học sinh lựa chọn.

Dù đã được tư vấn nhưng sau một học kỳ, nhiều học sinh lại muốn thay đổi môn học lựa chọn. Lý do là các em còn lúng túng, chưa hiểu kỹ khi chọn môn học và môn đã chọn chưa phù hợp với ngành nghề định học ở đại học.

Thời gian qua, tại nhiều trường THPT ở Hà Nội có tình trạng học sinh muốn đổi môn học đã lựa chọn hay chuyển sang trường khác. Tuy nhiên, cả hai việc này không thể thực hiện do thiếu hướng dẫn cụ thể.

Gỡ vướng cho học sinh đổi môn học tự chọn - 1

Chuyển đổi môn học lựa chọn là nhu cầu thực tế của nhiều học sinh sau một thời gian học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 Ảnh: TẤN THẠNH

Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho hay chuyển đổi môn học tự chọn là nhu cầu có thật và chính đáng của học sinh sau một thời gian học tập nhận thấy không phù hợp. Tuy nhiên, chuyển đổi vào thời gian nào, việc học bù kiến thức, kiểm tra bù tiến hành ra sao là vấn đề cần được tính toán kỹ.

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, sau học kỳ I, tại TP HCM không có nhiều trường hợp học sinh chuyển đổi môn tự chọn. Tại quận 1, bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết trong học kỳ I, chỉ có một học sinh muốn chuyển môn giáo dục kinh tế - pháp luật, mỹ thuật sang hóa học và địa lý nhưng vẫn cùng ban. Lý do là em này không muốn học môn mỹ thuật dù trước đó nhà trường đã tư vấn rất kỹ.

Bà Dung cho biết với trường hợp học sinh muốn chuyển đổi môn, nhà trường sẽ tìm hiểu, lắng nghe nguyện vọng của các em và phụ huynh lần nữa. Nếu học sinh vẫn quyết định đổi thì nhà trường cho phép nhưng yêu cầu các em cam kết chỉ đổi một lần. "Đây không phải là cứng nhắc mà muốn các em suy nghĩ kỹ với lựa chọn của mình. Nếu không, các em sẽ đổi tới đổi lui" - bà Dung giải thích.

Theo bà Dung, học sinh muốn chuyển tổ hợp môn, ban thì nên chuyển càng sớm càng tốt để không bị thiệt thòi về kiến thức. Khi chuyển ban, môn, các em sẽ không được học lại từ đầu nhưng nhà trường vẫn bố trí giáo viên hỗ trợ thêm. "Mặc dù vậy, tự học để bổ sung kiến thức vẫn là nhiệm vụ chính của học sinh" - bà Dung nhìn nhận.

Xây dựng phương án chuyển đổi môn học lựa chọn

Giữa tháng 1-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành hướng dẫn về việc chuyển môn học tự chọn.

Theo đó, trong trường hợp đặc biệt, nếu học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để các em bổ sung kiến thức, kỹ năng. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết việc đổi môn tự chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD-ĐT. Do vậy, việc thay đổi sẽ do nhà trường quyết định. Tuy nhiên, từng trường sẽ có kế hoạch tổ chức giảng dạy, xây dựng cơ cấu lớp, quy định sĩ số, phân công giáo viên... nên sẽ có những hướng dẫn cụ thể.

Trong khi đó, theo yêu cầu của Sở GD-ĐT Hà Nội, bên cạnh việc tổ chức dạy học bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ kế hoạch thời gian năm học 2022-2023, từ nay tới cuối năm học, các trường THPT trên địa bàn có nhiệm vụ xây dựng phương án đáp ứng nhu cầu chuyển đổi môn học lựa chọn cho học sinh lớp 10 lên lớp 11 theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. 

Chuyển đổi môn ở hệ GDTX: Giữ ổn định trong 3 năm

Ở hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, lưu ý học viên đã lựa chọn các môn học và cụm chuyên đề học tập từ lớp 10 sẽ giữ ổn định cho đến lớp 12. Trường hợp đặc biệt, học viên có nguyện vọng thay đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì giám đốc trung tâm xem xét quyết định. Việc thay đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập của học viên chỉ thực hiện sau khi kết thúc năm học để bảo đảm các quy định về kiểm tra, đánh giá.

Sở GD-ĐT TP HCM cũng lưu ý về trường hợp học viên thay đổi môn học tự chọn, cụm chuyên đề học tập hoặc khi học viên chuyển trường, phải thay đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập cho phù hợp với trung tâm tiếp nhận chuyển đến. Cụ thể, học viên phải chủ động tự học bổ sung kiến thức để có thể học được các môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập mới. Tùy tình hình thực tế, trung tâm có thể có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học viên bồi dưỡng kiến thức để học những môn lựa chọn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ vướng cho học sinh đổi môn học tự chọn