Góp ý dự thảo Nghị quyết thí điểm phổ cập GD mầm non ở một số tỉnh, thành

Hà An | 17/03/2023, 11:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 17/3, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì phiên họp về xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh, TP.

Tham dự phiên họp có đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương, thành viên Ban soạn thảo, tổ biên tập được giao thực hiện xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh, thành phố.

Dự thảo Nghị quyết thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh, thành phố đang được Bộ GD&ĐT gấp rút hoàn thiện để báo cáo Quốc hội. Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết. Ban soạn thảo đã tổ chức khảo sát trực tiếp tại 9 tỉnh/thành phố để có thông tin thực tế để xây dựng dự thảo Nghị quyết.

Từ tháng 6 - 12/2022, đã xây dựng dự thảo Nghị quyết; tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị quyết, tọa đàm xin ý kiến 63/63 sở GD&ĐT, cơ sở GD&ĐT, các chuyên gia. Ban soạn thảo cũng đã gửi công văn lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương. Tổng hợp, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Tổ chức rà soát, báo cáo thông tin xây dựng dự thảo Nghị quyết.

Ban soạn thảo đã tổ chức xây dựng, chỉnh sửa dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan theo quy định; tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; xin ý kiến thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Theo đó đặt mục tiêu và thực hiện nhiệm vụ:

Góp ý dự thảo Nghị quyết thí điểm phổ cập GD mầm non ở một số tỉnh, thành ảnh 1

Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh báo cáo tại phiên họp.

Đảm bảo thu hút tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến cơ sở GDMN vào năm 2026; Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đối với trẻ em mẫu giáo, đảm bảo trẻ em mẫu giáo tại các cơ sở giáo dục mầm non được học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDMN và phấn đấu nâng tỷ lệ trẻ em mẫu giáo trở lên được tổ chức ăn bán trú, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào học lớp 1.

Phấn đấu đến năm 2026, đảm bảo đủ định mức, số lượng giáo viên lớp mẫu giáo theo quy định. Củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mẫu giáo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Phấn đấu hết năm 2026, 100% các địa phương thực hiện thí điểm được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo.

Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước: Nguồn chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo; lồng ghép từ nguồn vốn của các chương trình, dự án và Nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030; Nguồn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp về việc tiếp tục tăng cường công tác đầu tư phát triển GDMN.

Góp ý dự thảo Nghị quyết thí điểm phổ cập GD mầm non ở một số tỉnh, thành ảnh 2

Tham luận của các thành viên Ban soạn thảo, tổ biên tập.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận đóng góp của các thành viên ban soạn thảo, tổ tư vấn. Thứ trưởng cho rằng: Đây là việc rất cần, đối tượng cấp học mầm non được quan tâm đặc biệt. Nhiều địa phương rất quan tâm, muốn tích hợp lồng ghép thực hiện chương trình để thực hiện. Xây dựng Đề án phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo, phải tham mưu để thấy rõ điểm mới, mong đợi. Cần thay đổi cấp tiếp cận, trách nhiệm của nhà nước rõ hơn, có sự công bằng giữa tư thục và công lập...

Về nguồn lực, cần phải lồng ghép chương trình khác, phải tháo gỡ lấy đầu mục chi cho GDMN. Quan điểm ưu tiên nguồn lực phải được tính kỹ. Thí điểm thực hiện chính sách mới, vướng mắc tăng số lượng GV là không đơn giản, nhất là với nhóm trẻ 3-4 tuổi. Quy định hiện hành đang còn bất cập, phải được tính toán kỹ kể cả việc lứa tuổi này phải ở trường tư, chăm sóc tại nhà. Rồi trách nhiệm của nhà nước, đảm bảo quyền của trẻ em được đi học, được nuôi dưỡng, vấn đề dinh dưỡng, giảng dạy. Phải đưa ra tờ trình để đảm bảo tính khả thi khi trình Chính phủ.

Nghị quyết sẽ ban hành cơ chế, chính sách địa phương để đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi tổ chức, cá nhân tham gia phát triển GDMN; ưu tiên đầu tư cho các cơ sở GDMN công lập thuộc các huyện nghèo, thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, các thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các thôn, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, cơ quan có thẩm quyền, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung đông dân cư để huy động mọi trẻ em mẫu giáo được đến lớp và được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo Chương trình GDMN.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góp ý dự thảo Nghị quyết thí điểm phổ cập GD mầm non ở một số tỉnh, thành