Tôi cho rằng, trong đổi mới giáo dục vấn đề hợp tác rất quan trọng, đó là thầy phải hợp tác với trò, trò hợp tác với thầy; thầy cô - nhà trường hợp tác với nhau. Chỉ có hợp tác thì vấn đề mới được giải quyết thấu đáo, hiệu quả. Ngược lại, trong xã hội hiện nay nếu vẫn áp tư duy cũ, thầy ra lệnh, trò phải nghe sẽ rất khó để thực hiện. Ngay cả trong lao động sản xuất ở các nhà máy, xí nghiệp hiện nay, ông chủ cũng phải hợp tác với công nhân, công việc mới hiệu quả.
Nền giáo dục hiện đại phải phục vụ lợi ích của con trẻ. Trẻ con phải là chủ thể của nền giáo dục chứ không phải là đối tượng của nền giáo dục.
Thầy cô giáo là người dẫn dắt học trò khám phá tri thức mới Ảnh: Diệp An
Tôi xây dựng trường thực nghiệm đến nay đã 45 năm, trong đó quan điểm chủ đạo của trường, thầy cô là người hướng dẫn, giao việc cho trò làm, trò tự làm ra sản phẩm. Làm được như thế, học trò sẽ tự tin, hạnh phúc và có niềm vui với sản phẩm của mình. Ở góc độ quản lý, tôi không yêu cầu thành tích, điểm số. Tôi tự mình tập huấn, đào tạo giáo viên, cứ mỗi tuần đều đặn tôi tổ chức cho giáo viên hoạt động tập thể, học nhảy, tạo không khí hứng khởi, vui vẻ, hạnh phúc cho thầy cô. Khi thầy cô vui vẻ, hạnh phúc thì mới có thể truyền năng lượng tích cực cho học sinh. Trường tôi treo khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui!”.
“Chuyện cô giáo ở Tuyên Quang là sự việc đau lòng, là biểu hiện ung nhọt của một bộ phận nhưng nó có tính tích cực đó là chỉ dấu cảnh báo rất lớn để toàn ngành phải chấn chỉnh, thay đổi. Môi trường giáo dục phải thay đổi từ người thầy, người hiệu trưởng, cao hơn là cấp quản lý từ sở đến bộ. Điều cốt lõi là tôn trọng, hợp tác, lấy học sinh làm trung tâm. Học sinh đến trường vẫn sợ thầy cô đe nẹt, quá áp lực vì điểm số, thành tích thì rất khó để có thể thay đổi”. GS. Hồ Ngọc Đại
Mỗi sáng, tôi thường đứng trước cổng trường hỏi phụ huynh, các con đến trường có vui không? Đa số phụ huynh nói với tôi: con háo hức được đi học, đi học vui lắm, thế là tôi yên tâm. Hơn 40 năm, các thế hệ học sinh đã trưởng thành, thành công ở nhiều lĩnh vực. Nhiều em quay về tri ân thầy cô, chứng kiến sự trưởng thành của các em, tôi càng tin quan điểm, triết lý của mình là đúng.
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, giá trị đạo đức, rèn chữ, rèn người càng cần được coi trọng. Theo GS, hiệu trưởng, người quản lý giáo dục cần phải làm gì?
Ảnh: Nguyễn Hà
Thời đại mới, không thể áp dụng triết lý cũ, áp đặt một chiều. Chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra mục tiêu giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh nhưng khó có thể đạt được điều đó khi nền tảng vẫn là những con người cũ, phương pháp cũ, quan điểm cũ.
Khi thầy cô vui vẻ, hạnh phúc thì mới có thể truyền năng lượng tích cực cho học sinh. Trường tôi treo khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui!”. GS. Hồ Ngọc Đại
Tôi lấy ví dụ, nếu trước đây, thầy nói trò nghe là ngoan thì nay trẻ con có thể tranh luận, phản biện. Tuy nhiên, ranh giới giữa tranh luận, phản biện và cãi, vô lễ rất mong manh. Nhiều thầy cô vẫn ngại va chạm, ngại học sinh phản biện, vẫn thích trò ngồi ngoan một chỗ!
Giáo dục trước hết phải tạo môi trường chân thật, không chấp nhận có sự giả dối. Vì vậy, nhà trường không đặt nặng thành tích học tập, thi cử. Những người quản lý từ cơ sở giáo dục phải tự soi, tự nhìn lại mình đã lấy học sinh làm trung tâm hay chưa? Hay vẫn vì thành tích, điểm số đẹp. Bao giờ học sinh trở thành lý tưởng giáo dục, là tương lai; bao giờ đặt lợi ích của các em lên hàng đầu thì giáo dục mới đạt hiệu quả, thực chất.
Cảm ơn ông!