Một giải pháp khác được ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, gợi ý là cần xây dựng cơ chế để điều tiết đội ngũ giáo viên giữa các trường, địa phương với nhau để khắc phục tình trạng thừa – thiếu cục bộ theo từng năm học. Nếu chỉ bó hẹp đội ngũ cứng trong từng trường sẽ rất khó vì học sinh chọn nhóm môn học lựa chọn mỗi năm mỗi khác, nên phải xây dựng cơ chế để có sự liên kết giữa các trường.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, ông Bùi Văn Kiệm, mong muốn, thành phố chỉ đạo các địa phương bố trí đủ quỹ đất dành cho GD-ĐT để đáp ứng yêu cầu chuẩn quốc gia và điều kiện xây dựng cơ sở vật chất phục vụ Chương trình GDPT 2018.
Khi thực hiện chương trình mới, nhiều trường học ở Hải Phòng thiếu rất nhiều phòng bộ môn, phòng chức năng và các công trình phụ trợ. Vì vậy, lãnh đạo ngành GD-ĐT Hải Phòng kiến nghị thành phố chỉ đạo ngành tài chính và UBND quận/huyện bố trí ngân sách đầu tư công để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường; bố trí ngân sách hàng năm để mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu theo thông tư của Bộ GD&ĐT.
Ông Bùi Văn Kiệm đồng thời đề xuất UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Trường Đại học Hải Phòng tăng cường đào tạo sư phạm để có nguồn tuyển dụng giáo viên đáp ứng cho Chương trình GDPT 2018, đặc biệt với môn học mới, môn tích hợp. Bởi với cấp tiểu học và THCS trên địa bàn phụ thuộc phần lớn vào nguồn đào tạo của Trường Đại học Hải Phòng. Nhiều quận, huyện có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên nhưng hồ sơ ứng tuyển rất ít, đặc biệt là các trường thuộc khu vực ngoại thành, trường học hải đảo.
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, ông Kiệm mong thành phố nghiên cứu tháo gỡ cơ chế đặt hàng đào tạo. Bởi Nghị định 116 của Chính phủ cho phép đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng bằng nguồn ngân sách Nhà nước nhưng đầu ra lại vướng các quy định tại Nghị định số 115 ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. “Sinh viên được đào tạo theo Nghị định 116 sau khi ra trường phải có cơ chế đặc thù của thành phố để tuyển dụng họ”, ông Kiệm nhấn mạnh.
Ảnh minh họa/ INT |
Là người trong cuộc, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Lương Tài (Lương Tài, Bắc Ninh), đại biểu Quốc hội khóa XV, đánh giá cao Chương trình GDPT 2018 mang lại những đổi mới tích cực cho giáo dục. Tuy nhiên, chương trình vẫn tồn tại một số hạn chế về chuẩn bị điều kiện thực hiện, trong đó có cơ sở vật chất, tài liệu giáo dục, nguồn nhân lực.
Hy vọng thời gian tới, những khó khăn, tồn tại trong thực hiện đổi mới chương trình GDPT sẽ được khắc phục, cô Nguyễn Thị Hà cho rằng, giải pháp căn cơ trước hết chính là tăng cường tuyên truyền sâu rộng về triển khai Chương trình GDPT 2018 tới mọi tầng lớp nhân dân, để toàn xã hội hiểu, chia sẻ và đồng hành với Bộ GD&ĐT trong quá trình đổi mới. Khi xã hội hiểu đúng, có cái nhìn toàn diện về Chương trình GDPT mới và chia sẻ khó khăn trong quá trình triển khai, những vướng mắc mới nhanh được tháo gỡ.
Về phía ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT cần tham mưu với Chính phủ, Quốc hội trong hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển chương trình GDPT; rà soát điều kiện bảo đảm chất lượng, về cơ sở vật chất và tài chính dành cho giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cùng với đó, kiên trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, tham mưu, đề xuất bổ sung biên chế để khắc phục việc thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt đối với giáo viên giảng dạy môn học mới như Mỹ thuật, Âm nhạc, môn tích hợp. Đồng thời, công tác tập huấn đội ngũ thực hiện chương trình với môn học và hoạt động giáo dục mới cần được tăng cường hơn nữa.
Tham gia đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị giám sát thực hiện chương trình, SGK GDPT, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh, Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, nhận thấy, cho tới thời điểm này, Chương trình GDPT 2018 đã trải qua lúng túng, bỡ ngỡ ban đầu và dần đi vào nền nếp. Bước đầu, chương trình cho thấy tác động tích cực.
Tuy nhiên, khó khăn khi triển khai ở Quảng Trị và có lẽ cũng là điểm chung tại nhiều địa phương trên cả nước là điều kiện thực hiện: Thừa thiếu giáo viên cục bộ, trong đó thiếu giáo viên các môn học mới (Tin học, Tiếng Anh ở tiểu học; Khoa học tự nhiên ở THCS; Âm nhạc, Mỹ thuật ở THPT…); cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu thốn.
Đợt giám sát lần này là cơ hội để nhìn nhận đầy đủ, chi tiết những thuận lợi cũng như khó khăn, bất cập trong triển khai chương trình mới. Từ đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phát huy điểm tích cực, khắc phục hạn chế, khó khăn nhằm triển khai tốt hơn trong thời gian tiếp theo.
Nhấn mạnh lại quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, bà Hồ Thị Minh cho rằng, điều quan trọng là cần có chính sách để tạo động lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên yên tâm công tác. Do đó, xây dựng Luật Nhà giáo là vô cùng cần thiết. Đưa kiến nghị cụ thể, theo bà Hồ Thị Minh, Quốc hội cần ưu tiên phân bổ ngân sách và giám sát việc thực hiện ngân sách cho giáo dục.
Chính phủ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các bộ ngành, địa phương về đổi mới Chương trình, SGK GDPT và vai trò của nhà giáo. Chỉ đạo, ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị định, văn bản hướng dẫn liên quan đến thực hiện Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết 88. Tiếp tục chỉ đạo, báo cáo việc thực hiện Đề án đổi mới Chương trình, SGK GDPT. Bố trí các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ địa phương khó khăn.
Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp với đặc thù của ngành Giáo dục. UBND cấp tỉnh thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm trong lựa chọn SGK; tổ chức biên soạn, thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương. Đồng thời, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018 (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học)…
Quan điểm của đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị là giám sát không phải để đánh giá thành tích mà cùng ngành Giáo dục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Do đó, mong muốn ngành có cái nhìn thẳng thắn, cả ưu điểm và hạn chế. Ưu điểm thì cùng phát huy; hạn chế, đặc biệt là vướng mắc ở đa số địa phương cùng lên tiếng thì Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần có hướng chỉ đạo khắc phục, sửa đổi. - Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh