Năm học 2024 - 2025 bắt đầu với những mục tiêu, nhiệm vụ toàn ngành đã đặt ra cùng giải pháp để thực hiện.
Tất bật chuẩn bị triển khai nhiệm vụ năm học, thầy cô cũng gửi gắm ước vọng để nghề dạy học thực sự là nghề cao quý nhất trong nghề cao quý, để mỗi trò đến trường đều cảm nhận được niềm vui.
Gắn bó nhiều năm với ngành Giáo dục Thủ đô, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) nhấn mạnh, giáo dục là nền tảng của sự phát triển. Sự thành công của giáo dục phụ thuộc vào tinh thần cống hiến, nỗ lực của đội ngũ thầy, cô giáo. Muốn vậy, giáo viên cần được xã hội tôn trọng, tôn vinh và có chế độ đãi ngộ xứng đáng để có thể yên tâm tận hiến với nghề.
“Năm học 2024 - 2025 hoàn thành chu trình đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở tất cả khối, từ lớp 1 - 12. Nhà trường sẽ tập trung tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục theo kế hoạch. Tiếp tục công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Xây dựng kế hoạch ôn tập chi tiết, chuẩn bị tốt cho học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 THPT theo phương thức mới”, thầy Nguyễn Cao Cường chia sẻ.
Bày tỏ mong muốn trong năm học mới, cô Nguyễn Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để nhà trường có thêm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên thực hiện chương trình mới cũng cần được đẩy mạnh.
Với đặc thù trường dạy cả học sinh khuyết tật và bình thường, cô Trịnh Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về trường lớp dành cho người khuyết tật nên nhà trường còn khó khăn, lúng túng khi thực hiện điều chỉnh Chương trình GDPT 2018 cho học sinh khuyết tật trí tuệ. Trường mong muốn sớm có thông tư hướng dẫn từ các cấp quản lý.
Ngoài ra, nhà trường đang thiếu trang thiết bị đặc thù dành cho học sinh khuyết tật. Trang thiết bị hiện nay nhà trường được mua sắm theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT dành cho trường tiểu học. Do vậy, UBND TP Hà Nội cần sớm ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dụng trong các trường chuyên biệt, đặc thù thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội.
Cùng đó, nhân sự lớp chuyên biệt cần có 2 cô, gồm giáo viên chủ nhiệm và nhân viên hỗ trợ người khuyết tật. Tuy nhiên, nhà trường luôn trong tình trạng thiếu giáo viên và nhân viên do công việc đặc thù giảng dạy, chăm sóc học sinh khuyết tật trí tuệ vất vả. Nhiều cô giáo trẻ đến làm nhưng không chịu được áp lực công việc, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên quyết định nghỉ việc.
“Nhân viên hỗ trợ giáo dục ở vị trí hợp đồng, chưa thu hút được người làm việc nên nhà trường rất khó tuyển dụng. Chúng tôi mong Nhà nước có thêm chính sách thu hút nhân lực làm việc trong các cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật”, cô Trịnh Thị Lệ Thu bày tỏ nguyện vọng.
Từ miền xuôi lên vùng núi công tác, cô Hoàng Thị Thủy - Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai) và đồng nghiệp luôn trăn trở làm sao để học trò an tâm đến trường. Học sinh không còn bỏ học giữa chừng; luôn có cơm no, áo ấm mỗi khi đông về.
Để sẵn sàng bước vào năm học mới, đội ngũ giáo viên nhà trường có mặt từ sớm để chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, phòng ký túc xá, trang trí lại khuôn viên trường, thư viện lớp học. Khi có môi trường lành mạnh, thân thiện, an toàn sẽ giúp học sinh có thêm hứng thú trong học tập, chủ động tìm hiểu kiến thức, hình thành kỹ năng phục vụ.
Cô Thủy trải lòng: “Bước vào năm học mới, tôi mong Nhà nước, bộ, ngành có thêm những hỗ trợ về văn phòng phẩm, chế độ bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng khó để các em yên tâm học tập. Các trường học được đầu tư thêm cơ sở vật chất nhằm đáp ứng được yêu cầu giảng dạy Chương trình GDPT 2018 hiệu quả hơn”.
Cô Thủy cũng hy vọng, năm học mới sẽ có một số chính sách hỗ trợ cho giáo viên dạy ở vùng có học sinh người dân tộc thiểu số thuộc các trường đặc biệt khó khăn vì thầy, cô giáo và học sinh rất vất vả. Nhiều thầy cô đã dành cả thanh xuân để bám trường lớp, “gieo chữ” cho học trò. Những hỗ trợ này chính là động lực để họ gắn bó và yêu nghề hơn.
Thời điểm này, Trường THPT DTNT Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất để đón học trò quay trở lại trường, bắt đầu năm học mới. Với kết quả đã đạt được của những năm trước, thầy Lê Đình Thuật - Phó Hiệu trưởng nhà trường kỳ vọng một năm học mới tiếp tục gặt hái nhiều thành công.
Đặc biệt năm học 2024 - 2025, lần đầu tiên học sinh khối 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp theo Chương trình GDPT 2018, do đó, nhiều vấn đề liên quan đến kỳ thi như môn thi, cách thức ra đề, việc lựa chọn các môn thi của học sinh là những chủ đề băn khoăn, trăn trở của đội ngũ giáo viên, học sinh và người dân.
“Tôi mong Bộ GD&ĐT sớm công bố Quy chế thi tốt nghiệp THPT để các nhà trường chủ động trong việc xây dựng kế hoạch chuyên môn, kế hoạch dạy học và ôn thi cho học sinh. Đối với các trường đại học, cũng nên sớm công bố phương án tuyển sinh để học trò chuẩn bị tinh thần, ổn định về tâm lý”, thầy Thuật nói.
Không chỉ thầy Thuật, nhiều thầy cô đang công tác tại trường DTNT cũng mong học sinh khối 10 sau ngày làm thủ tục nhập học sẽ sớm hòa nhập, chủ động xây dựng kế hoạch học tập để không bị động, bỡ ngỡ với Chương trình GDPT mới cũng như môi trường nội trú.
“Cùng với những kỳ vọng cho một năm học mới, nhà trường mong chính quyền, các cấp, ngành có chính sách đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho dạy - học đồng bộ, kịp thời để đáp ứng mục tiêu giáo dục của Chương trình GDPT 2018; tạo điều kiện giúp thầy trò nhà trường yên tâm học tập, công tác”, thầy Lê Đình Thuật nói.
Thực hiện Chương trình GDPT 2018, bên cạnh thiếu giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ chương trình mới còn thiếu nhiều, việc trang bị cho từng khối lớp hạn chế, chưa đồng bộ.
Để nâng cao chất lượng dạy và học theo Chương trình GDPT 2018, cô Kiều Thị Tố Uyên - giáo viên Trường Tiểu học - THCS Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) chia sẻ, Nhà nước cần có thêm chính sách, nguồn lực hỗ trợ các trường nhằm trang bị đầy đủ cơ sở vật chất dạy học, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, cô Uyên cũng mong muốn sự kết nối giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh ngày càng khăng khít hơn. Các bậc phụ huynh luôn sẵn sàng dành sự quan tâm, phối hợp, ủng hộ, chia sẻ nhiều hơn nữa trong công tác xã hội hóa giáo dục để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo thầy Lê Văn Nam - Trường THPT Trần Văn Giàu (TPHCM), bước vào mỗi năm học cả thầy và trò đều có nhiều kỳ vọng. Thầy Nam mong học sinh có một năm học thú vị, học hỏi được nhiều điều mới, khám phá điểm mạnh của bản thân để định hướng tương lai. Mong các em sẽ là những học sinh hạnh phúc dưới mái trường hạnh phúc.
“Mỗi giáo viên công tác trong lĩnh vực giáo dục đều tâm huyết với nghề, tận tâm trong công việc, nỗ lực trau dồi kiến thức để nâng cao chất lượng dạy học. Năm học mới, tôi hy vọng, các thầy cô sẽ được tạo điều kiện tốt nhất về chính sách đãi ngộ, chế độ tiền lương xứng đáng. Để từ đó, thầy cô chuyên tâm giảng dạy, sáng tạo, phát triển bản thân”, thầy Nam chia sẻ thêm.
“Chúng tôi rất mong được thấu hiểu, thông cảm và phối hợp của phụ huynh để quá trình học tập của học sinh hiệu quả hơn. Tôi cũng mong có thêm những đãi ngộ tốt, chính sách tiền lương để thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với sự nghiệp trồng người”, cô Kiều Thị Tố Uyên - Trường Tiểu học - THCS Mã Đà bày tỏ.