Cuộc chiến tranh Israel - Hamas tuy mới diễn ra được 5 ngày nhưng lại hội đủ các yếu tố có thể biến thành cuộc chiến tranh quốc tế.

Tính đến ngày 12/10, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tiếp tục gia tăng mức độ đẫm máu, đẩy số người chết từ cả hai phía lên mức khoảng 2.500 và hàng chục nghìn người khác bị thương.

Trong số người thiệt mạng vì cuộc chiến, tổn thất từ phía Israel dường như dừng lại ở con số 1.200 người, đa phần là nạn nhân trong ngày đầu tiên của chiến dịch tấn công quy mô lớn của Hamas mang tên “Cơn lũ Al-Aqsa”, phát động ngày 7/10.

Đó là thời điểm lực lượng Hamas phóng đồng loạt hàng nghìn quả rocket từ Dải Gaza vào Israel, đồng thời với các mũi tấn công xâm nhập lãnh thổ nhà nước Do Thái bằng đường bộ, đường biển và dù lượn.

Quân đội Israel ngay lập tức phát động chiến dịch trả đũa mang tên “Gươm sắt”, với các cuộc không kích hàng loạt mục tiêu trên Dải Gaza đang do Hamas kiểm soát. Do đó, số thương vong kể từ ngày 8/10 chủ yếu gia tăng từ phía Hamas và Dải Gaza do quân đội Israel đã từng bước thiết lập lại quyền kiểm soát các đô thị giáp dải đất của người Palestine này.

Số người chết tại Gaza được dự báo sẽ còn tăng mạnh không chỉ do bom đạn mà do cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây, khi Israel phong tỏa toàn bộ và cắt mọi nguồn điện, nước, nhu yếu phẩm chuyển từ Israel vào Gaza. Với vị trí địa lý 2 mặt giáp Israel, một phần nhỏ giáp Ai Cập và một mặt giáp biển, Dải Gaza gần như bị động hoàn toàn về cơ sở hạ tầng và nhu yếu phẩm khi xung đột với Israel.

Cơ quan Y tế Palestine ngày 12/10 cũng thừa nhận dịch vụ y tế tại Gaza đã đạt tới giai đoạn nguy kịch do thuốc và vật tư y tế, nhiên liệu sắp cạn kiệt. Trong khi đó, số người chết và bị thương do các cuộc không kích trả đũa của Israel đang tiếp tục tăng lên. Giới lãnh đạo Israel tuyên bố sẽ xóa sổ Hamas và khiến lực lượng này bị ám ảnh nhiều thế hệ vì các đòn tấn công trả đũa của mình.

Lực lượng Hamas bố trí đan xen với người dân ở khu vực Dải Gaza vốn có mật độ dân số đông vào bậc nhất trên thế giới. Chính bối cảnh này khiến nguy cơ cuộc xung đột giữa Israel và Hamas có thể biến thành cuộc chiến tranh khu vực và dẫn đến một cơn địa chấn mới đối với nền kinh tế thế giới, vốn chưa thể phục hồi do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine đang diễn ra.

Do vậy, cuộc chiến tranh Israel - Hamas tuy mới diễn ra được 5 ngày nhưng lại hội đủ các yếu tố có thể biến thành cuộc chiến tranh quốc tế hơn so với cuộc chiến Nga - Ukraine.

Khi Hamas mở cuộc tấn công đẫm máu hôm 7/10 khiến gần 1.000 người tại Israel thiệt mạng và bắt cóc khoảng 150 người đưa về Dải Gaza và đáng chú ý trong số này có cả công dân Mỹ, Anh và nhiều nước khác, khiến sự phẫn nộ không chỉ xuất phát từ Israel.

Bị đặt trong tình thế không thể không đáp trả, đến nay Israel mới sử dụng hình thức không kích để tấn công Gaza. Trong khi đó, việc huy động bộ binh tràn sang Gaza để tiêu diệt Hamas của Israel được dự đoán chỉ là vấn đề thời gian.

Nếu điều này xảy ra, cuộc khủng hoảng đến kinh tế thế giới từ cuộc xung đột sẽ rõ nét hơn. Khi đó số thường dân Palestine thiệt mạng sẽ tăng rất cao, khiến các nước Rập xung quanh Israel có thể có động thái tham chiến ở các cấp độ khác nhau.

Khi kịch bản này xảy ra, khủng hoảng kinh tế thế giới từ cuộc chiến giữa “Cơn lũ Al-Aqsa” và “Gươm sắt” là điều khó tránh khỏi vì khu vực Trung Đông vốn là nơi cung cấp dầu mỏ cho cả thế giới. Đây cũng chính là mối lo ngại lớn nhất đối với các nước không liên quan trực tiếp đến cuộc chiến tranh lịch sử về quy mô trong suốt 50 năm qua này.

Theo Giáo dục thời đại
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Gươm sắt' đấu 'cơn lũ'