Khắc phục khó khăn, đổi mới phương pháp dạy học
Bên cạnh những chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, công tác chuyên môn, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội cũng đang còn gặp phải những khó khăn nhất định như có trường phát triển nhanh do dân số trong tuyến tuyển sinh gia tăng cơ học cao dẫn đến nguy cơ thiếu phòng học, thiếu đội ngũ; đời sống của giáo viên còn gặp nhiều khó khăn do mức lương thấp, đặc thù lao động cả ngày với trẻ nhỏ nên điều kiện sức khỏe nhiều thầy cô bị giảm sút; một số môn học như Tin học, Lịch sử, Địa lý, Mĩ thuật còn thiếu giáo viên, đồng thời khó khăn nguồn giáo viên; việc tổ chức dạy học môn khoa học tự nhiên cũng còn gặp một số bất cập chưa hiệu quả do đội ngũ giáo viên đa số chỉ được đào tạo một chuyên ngành….
Một số hiệu trưởng các nhà trường cho hay, nhiều trường học hiện nay cũng còn hạn chế về diện tích sử dụng, chưa được đầu tư xây mới và mở rộng khuôn viên nên gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô lớp học, triển khai các hoạt động tập thể…
Trước thực tế trên, các nhà trường kiến nghị, mong muốn đối với ngành Giáo dục, với địa phương tăng cường xây thêm trường lớp; tăng cường bổ sung đội ngũ giáo viên đồng thời quan tâm, nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm trong ngành giáo dục… để hoàn thành những mục tiêu của năm học mới được tốt nhất.
Cô Trần Thị Yến, Hiệu trưởng trường THCS Văn Quán, quận Hà Đông cho hay, trước tốc độ phát triển cơ học về dân số của quận Hà Đông nói chung và của phường Văn Quán nói riêng, số học sinh, số lớp của nhà trường mỗi năm gia tăng nên có những khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Mặt khác, trong giai đoạn đổi mới chương trình giáo dục, để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường có mong muốn, đề xuất đối với ngành Giáo dục đầu tư tập trung đào tào kịp thời đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên đã có để đáp ứng giảng dạy và đủ giáo viên theo môn học trong Chương trình. Tổ chức nhiều hội thảo, chuyên đề về đổi mới quản lý, đổi mới chương trình, đổi mới nội dung, đổi mới phương pháp dạy học để cán bộ quản, giáo viên được trao đổi học tập.
Đối với chính quyền địa phương, Hiệu trưởng trường THCS Văn Quán cũng mong muốn tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất còn thiếu, đầu tư kinh phí cho các cơ sở giáo dục mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy; có chính sách khen thưởng, đãi ngộ xứng đáng cho những giáo viên có thành tích, giúp giáo viên thêm yêu nghề và gắn bó với trường. Bên cạnh đó, xây dựng chế tài cụ thể cho những cán bộ quản lý, giáo viên yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ…
Hiệu trưởng trường Mầm non Văn Khê (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Mơ cũng mong muốn các cấp lãnh đạo quận Hà Đông và Thành phố, trong năm học 2023-2024, tiếp tục quan tâm đến công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho năm học, đặc biệt đối với những đơn vị có nhiều điểm trường. Ngành giáo dục cũng cần tham mưu với các cấp lãnh đạo quan tâm đến chế độ chính sách tiền lương để nâng cao đời sống đối với đội ngũ nhân viên đặc biệt là nhân viên nuôi dưỡng đang làm việc tại các trường mầm non. Tiếp tục tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn về áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến cho đội ngũ giáo viên để nâng cao trình độ chuyên môn, hội nhập quốc tế và chuyên đề xây dựng Chương trình giáo dục nhà trường theo hướng tiếp cận đa văn hóa phù hợp với trẻ mầm non…
Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cũng nhận định, so với yêu cầu phát triển, giáo dục Thủ đô vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm như còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; sĩ số học sinh/lớp ở một số trường cao hơn quy định; còn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa phương…
Chính vì vậy, năm học 2023-2024, Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà đã yêu cầu ngành Giáo dục cần xây dựng kế hoạch chi tiết và các chương trình chuyên đề để thực hiện tốt nhiệm vụ; rà soát quy hoạch, tập trung nguồn lực triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo kế hoạch; thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND Thành phố về giá dịch vụ giáo dục; rà soát, tham mưu Thành phố trình HĐND thành phố các cơ chế chính sách đặc thù…
Bà Vũ Thu Hà cũng đề nghị ngành Giáo dục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức tuyển sinh trực tuyến ở tất cả các loại hình từ năm học 2023-2024; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để nâng chất lượng giáo dục đại trà, giảm dần khoảng cách về chất lượng giữa các nhà trường…