UBND quận Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện, phối hợp với các sở, ngành thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác Hồ Tây.
Trước đây Hồ Tây có một số dịch vụ kinh doanh như nhà nổi, du thuyền, đạp vịt... Năm 2015, Hà Nội đã dời bến thủy nội địa đầu Thụy Khuê, phía giao cắt với đường Thanh Niên về Đầm Bảy thuộc phường Nhật Tân.
Đầu năm 2017, Hà Nội yêu cầu chấm dứt kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản của các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý Hồ Tây. Chủ tàu thuyền du lịch, nhà nổi phải tự tháo dỡ phương tiện và di dời. Tuy nhiên đến năm 2023, việc di dời toàn bộ tàu du lịch khỏi Hồ Tây mới hoàn tất.
Là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất ở phía tây bắc trung tâm Hà Nội, Hồ Tây rộng hơn 500 ha, chu vi khoảng 15 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng. Nghiên cứu của quận Hồ Tây cho thấy hệ thủy sinh vật Hồ Tây khá đa dạng với 72 thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm, cua, trai, ốc, giun...), 12 loài giáp xác, 46 loài cá.