Giai đoạn 1 của dự án, nhà đầu tư sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 50% là xe đạp điện, bố trí tại 6 quận trung tâm là Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Để có điểm kết nối giữa xe đạp công cộng với người dân, dự án đề nghị 6 quận bố trí trên 90 điểm đỗ trên vỉa hè hoặc công viên, mỗi điểm đỗ cần diện tích từ 120 đến 150 m để làm “Trạm dừng Xe đạp công cộng”.
Đại diện Cty Trí Nam cho biết, 6 quận nội thành đã bố trí đủ các điểm đỗ của dự án giai đoạn 1 để nhà đầu tư lập các trạm xe đạp công cộng, hiện dự án không còn khó khăn gì về mặt bằng làm trạm dừng đỗ. Cty đang nhập phương tiện về để đưa các trạm này vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Ngày 27/6, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện dự án không còn gặp khó khăn gì về thủ tục cũng như mặt bằng làm trạm dừng đỗ. Về nguyên nhân xe đạp công cộng chưa thể hoạt động trên đường, đại diện Sở GTVT Hà Nội nói rằng, lý do chính là do số lượng xe Cty Trí Nam nhập để vận hành tại trên 90 điểm tại 6 quận nội thành giai đoạn 1 khá lớn, lên đến 1.000 xe, đặc biệt trong đó có 500 xe đạp điện. Đây là loại xe đạp có động cơ lần đầu tiên được nhà đầu tư triển khai ở Việt Nam nên cần huy động nguồn vốn lớn và thời gian chờ để được nhà sản xuất cung cấp đủ xe.
“Nếu chờ đủ số xe trên sẽ mất thêm nhiều thời gian, gây chậm trễ trong việc triển khai dự án, do vậy, Sở GTVT Hà Nội vừa đề nghị nhà đầu tư từ nay đến tháng 7 cần bố trí đủ 100 xe trước, sau đó đưa vào hoạt động ở các trạm trung tâm, có đông hành khách đi lại. Hiện Cty Trí Nam đã chấp thuận phương án này và trong tháng 7, xe đạp công cộng Hà Nội sẽ có 100 xe hoạt động trước”, đại diện Sở GTVT Hà Nội nói.