Tuyển sinh - du học

Cần nhìn nhận, đánh giá toàn diện hơn về đề thi tốt nghiệp THPT

01/07/2025 22:37

Các chuyên gia, nhà giáo cho rằng, cần có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn về đề thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Phân hóa trong đề thi là cần thiết, chính đáng

PGS.TS.Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: Việc Bộ GD&ĐT định hướng đề thi tốt nghiệp THPT theo hướng đánh giá năng lực thực chất và tăng mức độ phân hóa là một bước tiến phù hợp với xu thế quốc tế.

Đề thi đã chuyển sang đánh giá năng lực rất rõ ràng; có những ngữ cảnh thực tế, kiểm tra khả năng vận dụng, phân tích, phản biện của người học.

Đề thi tốt nghiệp THPT không chỉ để xét tốt nghiệp, mà còn được sử dụng trong tuyển sinh đại học. Do đó, năm nay, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT đã được phân bố theo tỷ lệ 4 (biết), 3 (hiểu) và 3 (vận dụng). Với cấu trúc như vậy, dự kiến các học sinh nếu nắm chắc và hiểu sâu kiến thức phổ thông sẽ đạt được 7 điểm để xét tốt nghiệp THPT. 3 điểm còn lại sử dụng để phân loại mạnh thí sinh cho việc xét tuyển vào các trường đại học.

“Tôi nghĩ rằng chủ trương phân hóa như thế là cần thiết và chính đáng, phục vụ 2 mục tiêu. Nó cũng phù hợp với xu hướng chung là 70% kiến thức nền tảng vào 30% kiến thức phân hóa.

Còn việc nhận xét “đề thi khó hơn” tôi nghĩ rằng không phải điểm mấu chốt. Với ý định thiết kế đề thi theo cấu trúc 7/3 thì điểm trung bình chung sẽ rơi vào khoảng 6-7. Chúng ta sẽ cần phân tích phổ điểm xem có theo đường phân phối chuẩn không; còn điểm trung bình có dịch chuyển sang trái hoặc sang phải một chút cũng không có gì đáng lo nếu mức độ phân hóa của đề thi tốt”, PGS.TS.Trần Thành Nam cho hay

Tuy nhiên, PGS.TS.Trần Thành Nam cũng cho rằng, chúng ta cần tiếp tục rút kinh nghiệm để tốt hơn.

Giáo viên phải được bồi dưỡng chuyên sâu về ra đề theo hướng năng lực, tư duy phản biện, phân hóa rõ ràng; phải thử nghiệm phân tích độ khó của từng câu, cân bằng độ khó của từng mã đề một cách bài bản, thậm chí nghiên cứu tiến hành phân tích phổ điểm thử nghiệm trước khi áp dụng chính thức.

Quán triệt tinh thần không được đánh đồng việc “nâng cao chất lượng” với “gia tăng độ khó học thuật”. Không nên đánh giá độ khó chỉ từ cảm nhận chủ quan của người ra đề mà phải dựa trên phân tích thống kê.

Đối với học sinh, dưới góc nhìn một chuyên gia tâm lý, theo PGS.TS.Trần Thành Nam, sự căng thẳng nhiều khi đến từ tâm lý phải học luyện thi thì mới đỗ; áp lực của việc lúc nào cũng dẫn đầu, xuất sắc trong học bạ dẫn đến chủ nghĩa hoàn hảo và lo lắng, thất vọng khi không hoàn thành tất cả các câu hỏi.

Ông gửi gắm, trước mỗi một giai đoạn bước ngoặt - cụ thể Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là bước ngoặt cải tổ lại cách đánh giá và cách dạy học - lo lắng là điều đương nhiên. Hãy động viên để các sĩ tử vượt qua nỗi lo, thay vì phân tích theo quan điểm cá nhân dẫn đến tăng áp lực xã hội không cần thiết.

thi-tn-thpt1.jpg
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Vân Anh.

Duy trì Kỳ thi với đề thi phân hóa mang lại nhiều lợi ích

TS.Nguyễn Viết Huy, Phó trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hưng Yên đánh giá: Về cơ bản, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã bám sát các mục tiêu đã đề ra, bao gồm: Đánh giá đúng kết quả học tập của người học; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông/giáo dục thường xuyên; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật (nếu có) sẽ được nghiên cứu, hoàn thiện sau khi có kết quả thi, phân tích phổ điểm, lấy ý kiến của các chuyên gia và các thầy cô có chuyên môn sâu để Kỳ thi các năm tới được tổ chức ngày một tốt hơn.

Trong điều kiện hiện nay, việc duy trì và làm tốt hơn Kỳ thi này, theo TS.Nguyễn Viết Huy, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và học sinh với một số lý do sau đây:

Thứ nhất, Kỳ thi được thiết kế để sử dụng tối đa kết quả đánh giá năng lực của học sinh trong suốt quá trình học tập của các em từ lớp 10, 11, 12. Trong đó, điểm trung bình chung các môn học khi xét tốt nghiệp chiếm tỷ trọng 50% không kể điểm ưu tiên, tạo tâm lý thỏa mái, yên tâm, không gây áp lực với học sinh chỉ có nhu cầu thi để xét tốt nghiệp.

Thứ hai, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức ở địa phương với số môn thi giảm bớt so với trước; được tổ chức với quy trình nghiêm cẩn ở các khâu, có sự giám sát của các bộ phận chuyên môn và của xã hội… nên các kết quả đánh giá năng lực học sinh có độ tin cậy.

Đề thi phân bố câu hỏi ở cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4 : 3 : 3. Tỷ lệ hiểu và vận dụng khoảng 60% là phù hợp với việc phân hóa tốt, làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong xét tuyển.

Thứ ba, trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, việc tổ chức nghiêm túc, đảm bảo công bằng cho các thí sinh có nhu cầu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học là việc làm cần thiết, nhân văn; giảm bớt việc các em phải tham gia quá nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… theo đề án riêng của các trường đại học - vấn đề được các đại biểu quốc hội nêu ra trong những kỳ họp Quốc hội gần đây.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/can-nhin-nhan-danh-gia-toan-dien-hon-ve-de-thi-tot-nghiep-thpt-post737999.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/can-nhin-nhan-danh-gia-toan-dien-hon-ve-de-thi-tot-nghiep-thpt-post737999.html
Bài liên quan
Cơ hội và kỳ vọng mới qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc phỏng vấn Bà Nguyễn Ngọc Thư – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần nhìn nhận, đánh giá toàn diện hơn về đề thi tốt nghiệp THPT