UBND TP. Hà Nội đề xuất chi gần 709 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí đóng BHYT, BHXH cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn như hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi...Trong đó, mức hỗ trợ từ 30%-100% mức đóng tùy từng đối tượng.
UBND TP. Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) cho một số đối tượng trên địa bàn thành phố.
Theo UBND TP. Hà Nội , đối tượng được hỗ trợ gồm cá nhân thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo; người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi, người khuyết tật nhẹ; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình đang thường trú trên địa bàn thành phố.
UBND TP. Hà Nội cho biết, giai đoạn 2022-2024, số tiền Ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ cho 10.902.384 người tham gia BHXH , BHYT với số tiền là 5.437,1 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố hiện có 1.149.844 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) và 112.313 người khuyết tật.
Tổng số người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được cấp thẻ BHYT là 8.857 người với số tiền hỗ trợ là 6,7 tỷ đồng/năm.
Tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 95.143 người với số tiền NSNN hỗ trợ là 34,3 tỷ đồng/năm.
Đến năm 2024, số người tham gia BHXH bắt buộc là 2.168.762 người (chưa bao gồm lực lượng vũ trang), tăng 111.064 người so với năm 2023; Số người tham gia BHXH tự nguyện là 104.361 người, tăng 22.178 người (tăng 27%) so với năm 2023; Số người tham gia BHYT là 8.169.748 người, tăng 227.554 người so với năm 2023 (tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,25% dân số).
Tuy nhiên, từ 1/7/2024, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2.340.000 đồng dẫn đến mức đóng BHYT tăng. Do đó, việc tham gia BHYT của người dân gặp khó khăn về kinh phí nhất là nhóm người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi...
Hàng năm số tiền chi trả từ quỹ BHYT cho người dân tham gia BHYT là rất lớn. Giai đoạn 2022-2024, BHXH thành phố đã chi trả 67.893 tỷ đồng (trong đó năm 2022 là 19.596 tỷ đồng, năm 2023 là 22.532 tỷ đồng, năm 2024 là 25.765). Do đó việc hỗ trợ thêm tiền đóng BHYT sẽ khuyến khích người dân tham gia BHYT và được quỹ BHYT chi trả khi ốm đau, bệnh tật, giúp giảm áp lực tài chính.
Từ thực tế trên, UBND TP. Hà Nội đề xuất:
Người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo từng thời kỳ.
Theo đó, hỗ trợ thêm 70% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 75% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; Hỗ trợ thêm 20% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác.
Mức hỗ trợ này ngoài mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ, được điều chỉnh khi Chính phủ ban hành chính sách điều chỉnh.
Chính sách hỗ trợ về BHYT, ngân sách hỗ trợ 100% đối với nhóm đối tượng gồm:
Thành viên hộ gia đình nghèo, cận nghèo (thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ ngày tháng được công nhận thoát nghèo, thoát cận nghèo);
Người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và chưa có thẻ BHYT.
Người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ BHYT được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế.
Người dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và chưa có thẻ BHYT.
Hỗ trợ 70% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và chưa được cấp thẻ BHYT.
Hỗ trợ 30% với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của thành phố.
Thời gian hỗ trợ từ ngày 1/1/2026.
Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ là 709 tỷ đồng.
Sau khi lấy ý kiến, tờ trình sẽ được HĐND TP. Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp sắp tới.