Văn hóa

Hà Nội đón trên 6 triệu lượt khách du lịch trong quý I/2024

Thanh Sơn 30/03/2024 05:56

(GDTĐ) - Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Trong tháng 3/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,26 triệu lượt khách, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch quốc tế ước đạt 468 nghìn lượt, có đến 330 nghìn lượt khách du lịch có lưu trú, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch nội địa ước đạt gần 1,8 triệu lượt khách, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.740 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023.

anh-1-du-khach-den-hn.jpg
Du khách quốc tế vào tham quan Văn Miếu- Quốc Tử Giám

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội dự kiến quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa ước đạt 5,14 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 3/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 64,4%, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, quý I/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt 62,1%, tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023.

anh-2-du-khach-den-hn.jpg
Du khách quốc tế bên hồ Hoàn Kiếm

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trong tháng 4/2024, Sở Du lịch sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch trong dịp tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024. Trong thời gian tới, để thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Hà Nội, ngành Du lịch Thủ đô đang xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản, di tích và làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên, tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, tuyến Trung tâm Hà Nội - Sơn Tây - Ba Vì. Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các địa phương triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: Du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn, du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn... Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống; hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đồng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì. Đặc biệt, Sở đang phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu các mô hình du lịch văn hóa, làng nghề mới như: Làng du lịch tại huyện Sóc Sơn, Trung tâm thiết kế sáng tạo làng nghề kết hợp với hoạt động du lịch tại huyện Phú Xuyên…

anh-3-du-khach-den-hn.jpg
Du khách khám phá Hà Nội trên xe xích lô

Bên cạnh đó, đối với hợp tác du lịch với các địa phương, Hà Nội phối hợp phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: Tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu.

anh-4-du-khach-den-hn.jpg
Du khách mua đặc sản bán tôm hồ Tây ở phủ Tây Hồ

Sở Du lịch cũng phối hợp với các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh hoạt động du lịch tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang…; phát triển thêm 1 - 2 khu vực phố đi bộ gắn với các tuyến phố ẩm thực, biểu diễn văn hóa theo chủ đề.Trong công tác chuyển đổi số, Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch, tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội. Thành phố thực hiện số hóa giao diện ảnh 360 độ và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn. Hà Nội xây dựng hệ thống phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ công tác quản lý phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin, quảng bá du lịch; duy trì, vận hành và cập nhật dữ liệu phần mềm cơ sở du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố.

Bài liên quan
Hà Nội: Con đường di sản văn hóa 2 bên sông Hồng sắp xây dựng có gì đặc biệt?
Đô thị của Thủ đô Hà Nội sẽ quay mặt ra sông. Hai bên sông sẽ xây dựng con đường di sản văn hóa, tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Con đường cũng sẽ giới thiệu cảnh quan, đất nước con người, hình ảnh của các vùng miền để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội đón trên 6 triệu lượt khách du lịch trong quý I/2024