Ngược lại, mặt bằng ở phân khúc cao cấp, bán lẻ hàng xa xỉ lại rơi vào tình trạng thiếu hụt, gần như không có địa điểm trống do các mặt bằng không đáp ứng đủ các yêu cầu của thương hiệu cả về kỹ thuật lẫn concept.
Đánh giá chung về tình hình thị trường cho thuê nhà phố Hà Nội trong 6 tháng đầu năm, bà Trang nhận định : “Độ phủ của thị trường đã tốt hơn so với năm trước. Tuy nhiên, thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi một số dự án không đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật, cộng thêm ảnh hưởng của kinh tế tạo ra áp lực cho doanh nghiệp. Họ đã cố gắng gồng mình nhưng rồi phải trả mặt bằng nếu kinh doanh không hiệu quả.
Các địa điểm đắc địa đã được phủ tương đối tốt. Tuy nhiên, những mô hình nhà phố bình thường khác phải cần thời gian, cần sự đàm phán của chủ nhà và doanh nghiệp để thống nhất mức giá thuê phù hợp. Nếu chủ nhà nhìn vào những nhà phố ở khu vực khác, nghĩ rằng họ cho thuê giá cao như vậy thì bản thân cũng phải có giá tương đương như thì rất khó.
Với một doanh nghiệp nước ngoài có tài chính ổn định, định hướng phát triển bền vững, lâu dài thì mức giá có thể được hấp thụ nhưng nếu áp dụng với doanh nghiệp trong nước thì đôi khi không khả thi. Sau giai đoạn Covid, các chủ nhà cũng đã có sự thay đổi về kỳ vọng, điều chỉnh giá thuê để hài hòa hơn với thị trường”.
Hiện mức giá thuê mặt bằng tại khu trung tâm Hà Nội đang dao động trong khoảng 5.000-15.000 USD/tháng (tương đương 117,5 – 325 triệu đồng/tháng).
Dẫu vậy, vị chuyên gia Savills cũng lưu ý sự trễ pha của thị trường Hà Nội so với TP.HCM. Khi các xu hướng phát triển tại TP.HCM đi đến giai đoạn phát triển rất mạnh và nóng thì thị trường Hà Nội vẫn chưa đến đỉnh. Và ngược lại, khi thị trường TP.HCM chứng kiến sự suy giảm, thoái trào, giảm giá thì thị trường Hà Nội sẽ diễn biến tương tự sau một thời gian.