Đặc biệt ở khu vực đô thị trung tâm, Hà Nội sẽ phục dựng, nâng tầm kiến trúc đặc thù “phố Pháp" gắn liền với các hoạt động kinh tế cốt lõi, trung tâm tài chính, thương mại quốc gia. Trong đó, ưu tiên phát triển ngầm tại khu vực này như tuyến phố trung tâm thương mại ngầm dẫn từ nhà ga Hà Nội, trung tâm dọc phố Trần Hưng Đạo kết nối với trục không gian sông Hồng.
Đồ án cũng định hướng phát triển các khu nghiên cứu, đào tạo trên toàn địa bàn TP. Trong đó, khu đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) có quy mô khoảng 1.000 ha, được định hướng là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao, xã hội và nhân văn.
Khu giáo dục đào tạo tại thị xã Sơn Tây được định hướng đào tạo lĩnh vực an ninh quốc phòng, văn hóa, du lịch. Khu giáo dục đào tạo tại thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ) được định hướng là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, Lab cộng đồng, trung tâm dịch vụ...
Khu giáo dục đào tạo tại huyện Sóc Sơn, quy mô khoảng 200-300 ha, được định hướng phát triển thành cụm trường đào tạo, nghiên cứu phát triển ngành hàng không, logistic.
Cụm cơ sở nghiên cứu, giáo dục tại huyện Phú Xuyên, quy mô khoảng 200-300 ha, định hướng là khu vực đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ cao, nghiên cứu ngành y - dược - sinh hóa phẩm…
Đồ án cũng đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 - Vùng thủ đô Hà Nội ở phía Nam TP. Về vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể của sân bay sẽ được cơ quan tư vấn chuyên ngành nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050. |