Hà Nội dành phần lớn vốn đầu tư công để chi cho phát triển giáo dục ở nhiều quận nội đô, nơi thường 'nóng' thiếu trường, lớp trước mùa tuyển sinh.
Dành phần lớn vốn đầu tư công để chi cho phát triển, cải tạo cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị giáo dục, nhiều ngôi trường mới hiện đại bậc nhất TP Hà Nội sẽ đón học sinh từ năm học 2024 - 2025.
Đây cũng là dấu ấn trong sự nghiệp phát triển giáo dục ở nhiều quận nội đô (Cầu Giấy, Ba Đình...) nơi thường “nóng” thiếu trường, lớp trước mùa tuyển sinh.
Chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, ngày 31/5 vừa qua, UBND quận Cầu Giấy tổ chức công bố và trao quyết định bổ nhiệm Ban giám hiệu các trường: Tiểu học Nguyễn Viết Xuân và Mầm non Bình Minh. Đây là 2 trường có cơ sở vật chất được đánh giá hiện đại của quận Cầu Giấy nói riêng và TP Hà Nội nói chung.
Trường Mầm non Bình Minh (phố Nguyễn Xuân Nham, phường Yên Hòa), được thành lập với mục tiêu định hướng phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản cho học sinh. Nhà trường được kiện toàn bộ máy nhân sự và được quận Cầu Giấy tập trung đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ và hiện đại.
Ngoài các phòng học theo quy định còn có nhiều các phòng chức năng như: Nghệ thuật sáng tạo, thư viện, phòng thể chất... với đầy đủ các thiết bị phục vụ cho việc học tập. Bếp ăn được xây dựng theo mô hình một chiều hiện đại, phục vụ cho công tác bán trú cho trẻ.
Tương tự, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (ngõ 187 phố Trung Kính, phường Yên Hòa) được thành lập với mục tiêu xây dựng chuẩn quốc gia mức độ 2, phấn đấu xây dựng trường chất lượng cao trong tương lai.
Cùng với các phòng học theo quy định còn có nhiều phòng chức năng như: Âm nhạc, mỹ thuật, khoa học, ngoại ngữ, tin học, phòng năng khiếu, thư viện, nhà thể chất, nhà ăn... với đầy đủ các thiết bị phục vụ cho việc học tập và bán trú.
Trong buổi lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi năm học 2023 - 2024, ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy nhấn mạnh, lãnh đạo địa phương đặc biệt ưu tiên phát triển giáo dục.
Năm học 2023 - 2024, quy mô, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn quận Cầu Giấy tiếp tục được phát triển mạnh. Hiện, toàn quận có 100 trường (mầm non, tiểu học, THCS, THCS&THPT) với 41 trường công lập, gần 76.000 học sinh.
Theo ông Bùi Tuấn Anh, trong năm học 2023 - 2024, quận đầu tư cải tạo và xây mới 4 trường với 421 tỉ đồng, cải tạo mở rộng với 3 trường. Với sự đầu tư trên, năm học 2024 - 2025 đưa 2 trường mới đi vào hoạt động (Trường Mầm non Bình Minh và Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân).
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cũng cho biết, trong giai đoạn tới, quận sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới 4 trường THPT, cải tạo nâng cấp Trường THPT Yên Hòa, THPT Cầu Giấy… với mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho giảng dạy, khơi dậy niềm say mê học tập, sáng tạo cho học sinh.
Được biết, hàng năm quận Cầu Giấy đã dùng 72% vốn đầu tư công để chi cho phát triển, cải tạo cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị giáo dục.
“Với sự đầu tư chiến lược, nâng cao chất lượng giáo dục, kết quả thi vào lớp 10 THPT, quận Cầu Giấy đứng thứ nhất thành phố 15 năm liên tiếp. Thi học sinh giỏi thành phố các môn văn hóa và khoa học, học sinh của quận tiếp tục dẫn đầu về tổng số giải.
Ở lĩnh vực văn nghệ, thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học, đóng góp xã hội… các em đều để lại dấu ấn tốt đẹp. Thành tích học tập, rèn luyện của các em học sinh trong quận hôm nay đã khẳng định sự đầu tư có tính chiến lược của quận trong nhiều năm qua là đúng hướng...”, ông Bùi Tuấn Anh nhấn mạnh.
Một góc cơ sở vật chất Trường THCS Giảng Võ sau khi được được đầu tư xây mới. |
Sau gần 8 tháng phải đi học nhờ tại Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình), năm học mới 2024 - 2025 học sinh Trường THCS Giảng Võ được học tập trong ngôi trường khang trang, hiện đại bậc nhất của quận Ba Đình.
Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, những năm qua, việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục được các cấp chính quyền quận ưu tiên hàng đầu.
Theo ông Chiến, năm học 2023 - 2024, có 40/49 trường học của quận đã đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 81,6% và xếp thứ 5/30 quận, huyện, tăng 24 bậc so với lần xếp hạng đầu nhiệm kỳ.
Xếp hạng giáo dục đứng thứ 3/30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội với 13/13 lĩnh vực công tác xếp loại xuất sắc. Đến tháng 11/2024, sau khi được xây dựng cơ sở mới, Trường THCS Giảng Võ sẽ được đánh giá, kiểm định chuẩn quốc gia.
Đặc biệt, năm học 2024 - 2025, quận Ba Đình sẽ ưu tiên dành khoảng 90% vốn đầu tư công để chi cho phát triển, cải tạo cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị giáo dục. Trong đó đầu tư xây mới, cải tạo 4 trường với khoảng 1.000 tỷ đồng.
Sau khi có quyết định công bố thành lập và trao quyết định Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ 2, ngày 1/6 UBND quận Ba Đình tổ chức thông báo điều chuyển giáo viên, nhân viên và các lớp từ Trường THCS Giảng Võ sang Trường THCS Giảng Võ 2.
Trước khi tách, Trường THCS Giảng Võ với 76 lớp với 150 giáo viên, nhân viên có quy mô vượt quá quy định, không đạt chuẩn quốc gia theo quy định Bộ GD&ĐT, TP Hà Nội.
“Dự kiến quận khởi công xây mới Trường THCS Giảng Võ 2 ngay trong quý III năm 2024, đầu tháng 9 là các Trường THPT Phạm Hồng Thái, Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình, tiếp đó là cải tạo Trường THPT Phan Đình Phùng… với khoảng hơn 90% vốn đầu tư công…”, ông Tạ Nam Chiến thông tin.
Phối cảnh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (ngõ 187 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy). |
Với Trường THCS Giảng Võ 2, Chủ tịch UBND quận Ba Đình nhấn mạnh, ngôi trường mới sẽ được xây dựng khang trang hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn trường chất lượng cao, dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 8/2025.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng thông tin, sau khi Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt, Ba Đình sẽ đề xuất các cấp có thẩm quyền để triển khai xây dựng mới Trường Mầm non số 8 và Trường THCS Phúc Xá (phường Phúc Xá), đây là khu vực giáp bờ sông Hồng.
“Cùng với xây dựng, cải tạo trường lớp khang trang, hiện đại, trong giai đoạn 2023 - 2025, một số trường mầm non, tiểu học và THCS sẽ được đầu tư xây dựng trường học thông minh với camera kết hợp AI nhận diện khuôn mặt và chỉ số cảm xúc, màn hình tương tác, bài giảng số… Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Ba Đình…”, ông Tạ Nam Chiến nói.