Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử mở rộng Hải Phòng 2024 diễn ra trong 2 đêm ( 9-10/5) tại Sân khấu Quảng trường Nhà hát Thành phố.
Theo đó, hưởng ứng các sự kiện lớn của đất nước và thành phố Hải Phòng trong tháng 5 lịch sử, đặc biệt chào đón Lễ hội Hoa Phượng đỏ lần thứ XI với chủ đề: “ Hải Phòng - bừng sáng miền di sản”, được sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, Đoàn Cải lương Hải Phòng tổ chức “ Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử mở rộng Hải Phòng 2024 ”.
Đại diện đơn vị tổ chức, các đại biểu và người dân tham gia sự kiện tối ngày 9/5. |
Tham gia Liên hoan lần này có 4 đơn vị Nhà hát và Đoàn nghệ thuật tiêu biểu của Sân khấu Cải lương 2 miền Nam - Bắc: Đoàn Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được biểu diễn phục vụ nhân dân thành phố Cảng. |
Liên hoan giới thiệu đến khán giả và nhân dân Hải Phòng Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người dân Nam bộ, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, được tạo ra từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và kết hợp với các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng của các địa phương, vùng, miền khác nhau của Nam bộ.
Nền tảng của các bài bản của đờn ca tài tử là 20 bản tổ (6 Bắc, 3 Nam, 4 Oán, 7 Bài), dân gian thường gọi là 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 bài. Giới đờn ca tài tử còn chia bài bản tài tử ra thành 10 loại, đồng thời lưu truyền câu đối: “ Thức thời tối thiểu làu thông nhị thập huyền tổ bản; Quán thế thậm đa lịch luyện thất thập nhị huyền công”, nghĩa là người hiểu biết về đờn ca tài tử không chỉ am tường tối thiểu 20 bản tổ mà còn phải biết thông suốt 72 bài bản khác nhau.
Năm 2013 bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.