Lê Hiển Tông của nhà Hậu Lê và Hàm Nghi triều Nguyễn được xem là 2 vị vua giỏi nghệ thuật trong sử Việt.
Lê Hiển Tông (1717 - 1786), có tên húy Lê Duy Diêu, con trưởng của vua Lê Thần Tông. Sinh ra trong giai đoạn vua Lê đã mất hết thực quyền vào tay chúa Trịnh, sau chính biến của Lê Duy Mật, hoàng tử Lê Duy Diêu bị Trịnh Giang bắt giam.
Sau đó, Trịnh Giang bị ép phải thoái vị, nhường ngôi lại cho Trịnh Doanh. Khác với anh trai, Trịnh Doanh có chính sách ôn hòa hơn. Ông chủ trương đối xử tốt với các vua Lê để thu phục lòng người.
Theo “Hoàng Lê nhất thống chí”, năm 1740, Trịnh Doanh cho chuyển Lê Duy Diêu đến giam ở nhà cậu mình là Vũ Tất Thận. Kỳ lạ là, đêm trước đó, Vũ Tất Thận “mơ thấy thiên tử tới nhà, cờ quạt phấp phới, nhã nhạc vang lừng, rõ ra cảnh tượng của đời thái bình”.
Sáng hôm sau thấy quân lính giải hoàng tử đến nhà, ông ta rất kinh ngạc, cho là ứng vào giấc mộng của mình, nên kể lại với chúa. Trịnh Doanh thấy vậy cho là người có phúc lớn bèn đón hoàng tử về cung tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng. Vậy là nhờ vào giấc mơ của Vũ Tất Thận, hoàng tử Lê Duy Diêu đang từ thân phận tù nhân đã trở thành vua của nhà Hậu Lê danh chính ngôn thuận.
Trong thời kỳ nắm ngôi, Lê Hiển Tông đã tạo ra rất nhiều kỷ lục của một bậc đế vương. Ông chính là vị vua sống thọ nhất của nhà Hậu Lê (69 tuổi), ở ngôi lâu nhất (46 năm).
Đặc biệt, dưới thời mình, Lê Hiển Tông đã cho phát hành tới 16 loại tiền, trở thành vị vua phát hành nhiều loại tiền nhất trong số các vua chúa Đại Việt. Tất cả đều mang tên Cảnh Hưng gồm: Cảnh Hưng Thông Bảo, Cảnh Hưng Trung Bảo, Cảnh Hưng Chí Bảo, Cảnh Hưng Vĩnh Bảo, Cảnh Hưng Thái Bảo, Cảnh Hưng Cự Bảo, Cảnh Hưng Trọng Bảo, Cảnh Hưng Tuyền Bảo, Cảnh Hưng Thuận Bảo, Cảnh Hưng Chính Bảo, Cảnh Hưng Nội Bảo, Cảnh Hưng Dụng Bảo, Cảnh Hưng Lai Bảo, Cảnh Hưng Thận Bảo, Cảnh Hưng Ðại Bảo, Cảnh Hưng Ðại Tiền.
Cũng dưới thời vua Lê Hiển Tông, lần đầu tiên trong lịch sử, khoa cử nho học, các sĩ tử phải nộp lệ phí mới được tham dự thi Hương, gọi là tiền thông kinh vào năm 1750. Trong thời gian trị vì của ông, triều đình cho mở 16 khoa thi, lấy đỗ 131 tiến sĩ. Lê Hiển Tông cũng chính là vị vua cho mở nhiều khoa thi nho học nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Điều đặc biệt nữa là vua Lê Hiển Tông rất giỏi về âm nhạc và nhiều tài lẻ khác. Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” cho biết “vua giỏi về các kỹ nghệ lặt vặt. Bao nhiêu cung điệu, nhạc phủ trong hoàng cung, nhà vua đều chế ra bài mới, âm thanh cực kỳ du dương, trong sáng”.
Hàm Nghi (1871 - 1943) là vị vua thứ chín của triều đại nhà Nguyễn. Ông có tên là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, con của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai. Sau khi vua Kiến Phúc băng hà, Ưng Lịch được triều thần tôn lên làm vua khi mới chỉ 13 tuổi.
Nổi tiếng là ông vua yêu nước, lên ngôi trong bối cảnh đất nước đã bị thực dân Pháp đô hộ, vua tỏ rõ quyết tâm đánh đuổi ngoại bang, khôi phục vị thế của vương triều. Sau khi thất thủ trong cuộc tấn công quân Pháp ở kinh thành Huế vào ngày 5/7/1885, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết dẫn thuộc hạ ra vùng Tân Sở (Quảng Trị) để tiếp tục chống Pháp. Tại đây, vua đã cùng quần thần ban chiếu Cần Vương, kêu gọi sĩ phu, văn thân, nhân dân đứng lên giúp vua đánh giặc cứu nước.
Dụ Cần Vương được loan truyền, nhân dân cả nước hưởng ứng rầm rộ, nhiều phong trào chống Pháp nổ ra mạnh mẽ. Tuy vậy, do chênh lệch lực lượng, phong trào ngày càng suy yếu. Cuối cùng, do sự phản bội của tên thuộc hạ Trương Quang Ngọc, vua Hàm Nghi bị rơi vào tay thực dân Pháp vào ngày 26/9/1888.
Chuyện kể rằng, khi bị bắt, Hàm Nghi đã không nhận mình là vua, khiến quân Pháp rất lúng túng, không biết có phải đã bắt được vua hay không. Ông còn thách thức kẻ thù giết mình. Cuối cùng, chỉ khi chúng dẫn thầy giáo của ông là Nguyễn Nhuận tới, theo thói quen vua đứng lên hành lễ chào thầy, mới bị quân Pháp phát hiện.
Bắt được vua Hàm Nghi, chúng giải ông về kinh thành Huế, sau đó đưa vào Sài Gòn. Đến ngày 13/12/1888, vua bị đưa đi đày ở một thuộc địa Pháp ở Bắc Phi là Algeria. Tới mảnh đất xa xôi, sống cảnh bị phế truất, chốn đất khách quê người, buồn chán, vua Hàm Nghi bắt đầu tìm đến hội họa với những bức vẽ đầu tiên, khám phá khả năng đặc biệt của bản thân.
Nhiều tài liệu cho biết, khi vua ở Algeria, một sĩ quan Pháp là đại úy de Vialar nhìn thấy những bức vẽ của vua, nhận ra ông có năng khiếu bẩm sinh nhưng chưa giỏi về kỹ thuật phối cảnh nên đã dẫn họa sĩ Marius Reynaud đến gặp vua, gợi ý làm giáo viên, vua đồng ý. Sau khi được hướng dẫn, kỹ năng hội họa của vua tiến bộ nhanh chóng.
Các bức tranh phong cảnh của vua thể hiện mối liên hệ với Việt Nam qua cách xử lý bố cục, thường là cây cổ thụ cô độc giữa cánh đồng, xa xa là cánh chim cuối trời gợi nhớ đến hình ảnh làng quê Việt Nam với cánh cò bay trên đồng. Màu sắc trong tranh thường trầm buồn, dáng người trong tranh luôn nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn. Ngoài tranh phong cảnh, vua cũng vẽ chân dung vợ, con gái Như Mây, người làm vườn hay nhiều chân dung tự họa bằng chì, tặng cho những người ông gặp như tấm thẻ xã giao.
Theo các nhà nghiên cứu, vua Hàm Nghi là một trong những họa sĩ đầu tiên của Việt Nam bắt đầu vẽ theo truyền thống châu Âu với thể loại tranh sơn dầu, bằng sự tính toán theo phép phối cảnh, được coi là người mở đầu cho nền hội họa hiện đại của Việt Nam.
Trong số các tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi, bức tranh Chiều tà được sáng tác năm 1915, đã được bán cho một người Pháp gốc Việt với giá 8.800 euro tại hội chợ triển lãm ở Paris (Pháp) vào năm 2010. Ngày 22/9/2023, 19 bức tranh khác của vua Hàm Nghi tiếp tục được mang ra đấu giá, thu về tổng số tiền lên tới 330.000 euro ở thủ đô nước Pháp.