Sửa đổi để phù hợp
Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh được ban hành từ năm 2011 đã tạo hành lang pháp lý để kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh.
Tuy nhiên trong thời gian thực hiện Thông tư 55, đã xuất hiện một số bất cập. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét sửa nội dung Điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo hướng Ban đại diện cha mẹ là đối tác, có vai trò đối thoại với nhà trường để bảo vệ quyền lợi cho học sinh.
Đa số các ý kiến cho rằng không nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh bởi họ là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh. Nếu không có sự kết nối này thì việc quản lý, giáo dục học sinh sẽ không hiệu quả.
Trách nhiệm của nhà trường là chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường có thể truyền tải những nội dung nâng cao chất lượng giáo dục hay một số hoạt động thiết yếu của trường để tất cả phụ huynh trong trường, lớp biết.
Ngoài ra, nhiệm vụ và trách nhiệm của Ban đại diện phụ huynh là cần có sự tăng cường hơn nữa để kết nối với các phụ huynh khác thông báo tình hình học tập, rèn luyện của học sinh. Tất cả hoạt động của Ban đại diện phụ huynh chủ yếu là cùng với nhà trường, thầy cô giáo xây dựng môi trường giáo dục tốt hơn.
Tuy nhiên, hoạt động của Ban đại diện phụ huynh không nên bị biến tướng thành những người tổ chức thực hiện việc lạm thu, thu tiền không đúng quy định ở trong nhà trường.
Điều đáng lưu ý ở đây là chúng ta cần xem xét lại hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để sao cho họ làm việc theo đúng chức năng, hiệu quả công việc. Bộ GD&ĐT sửa đổi Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nếu có điều gì bất hợp lý, chưa phù hợp với thực tế thì sẽ có sự điều chỉnh.